Tăng trưởng xanh là động lực phát triển nhưng phải chú ý đến 2 rủi ro 'thiên nga đen' và 'con voi đen'

'Việt Nam đang trong quá trình trở thành đất nước phát triển, công nghiệp hiện đại gắn với tăng trưởng xanh, do vậy phải giám sát và kiềm tỏa 'Con Voi đen' cho nền kinh tế và kiểm soát tác động của 'Thiên Nga đen', PGS Vũ Minh Khương, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam năm 2023, thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, được nhận định như chìa khóa đạt được phát triển bền vững, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Tăng trưởng xanh là chìa khóa đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng.

Theo Thứ trưởng Đông, quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số. Quá trình này dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực, từ đó đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động – một vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.

Về doanh nghiệp, các DNNVV được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển dịch, khi khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp…

Về phía địa phương, sự khác biệt về đặc điểm tự nhiên cố hữu, dân số, xã hội dẫn tới sự chênh lệch trong phát triển kinh tế, trình độ lao động, khả năng chuyển dịch trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế.

"Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi chúng ta cần chủ động giải quyết nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển này", ông Đông nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS. Vũ Minh Khương, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng giai đoạn 2016 - 2021 nhấn mạnh đến xu hướng tăng trưởng xanh, năng lượng xanh của toàn cầu. Cơ hội lớn của Việt Nam để đổi thay, phát triển.

GS Khương cho rằng, động lực tăng trưởng xanh, Cách mạng 4.0 là chủ đạo của tiến trình phát triển thế giới. Nhưng phải chú ý đến hai rủi ro chiến lược đó là “Thiên Nga đen” và “Con Voi đen”

“Thiên Nga đen” là những biến cố lớn của địa chính trị thế giới, chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh. Con Voi đen là những rủi ro nội tại của tham nhũng, tín dụng… Những vấn đề toàn cầu và thách thức nội tại này nếu bùng lên sẽ khiến đất nước nào cũng rơi vào biến động.

Theo PGS. Vũ Minh Khương: “Trong công cuộc kỳ vĩ sắp tới của Việt Nam (phát triển trở thành đất nước phát triển, công nghiệp hiện đại” phải giám sát và kiềm tỏa "Con Voi đen" cho nền kinh tế và kiểm soát tác động của "Thiên Nga đen" để giảm bớt tác động đối với nền kinh tế.

Ông Khương cho rằng, thế giới đã trải qua hàng loạt cuộc cách mạng toàn cầu, giờ đây là cuộc cách mạng toàn diện nhất, lớn nhất mang tên trí tuệ, công nghệ, hướng đến những ích lợi cho hành tinh - xanh, bền vững và hướng vào những yếu tố nhân bản của con người.

"Kỷ nguyên 5.0 chúng ta chưa thể hình dung xã hội sẽ đi đến đâu, nhưng phải có tư duy chủ động, sẵn sàng tham gia", ông Khương nói.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tang-truong-xanh-la-dong-luc-phat-trien-nhung-phai-chu-y-den-2-rui-ro-apos-thien-nga-den-apos-va-apos-con-voi-den-apos-1096942.html