Tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn hơn trong quí 4-2022 và năm 2023

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng sẽ khó khăn hơn trong quí 4-2022 và năm 2023.

Ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh bất định

Tại hội nghị bàn về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vào chiều 12-9, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KHĐT, cho biết xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam trong bối cảnh, rủi ro, thách thức với tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, còn có các rủi ro gồm nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Andrea Copppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), dự báo xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và sự phục hồi của nền kinh tế nội địa.

Theo ông Copppla, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực lạm phát do cuộc xung đột Nga – Ukraine tạo ra những rủi ro liên quan tới gia tăng giá lương thực, qua đó làm tăng chi phí về sản xuất và lao động. Cuộc xung đột này cũng khiến tốc độ tăng trưởng của các đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam sẽ chậm hơn.

Ngoài ra, lạm phát có chiều hướng tăng ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng.

Với bối cảnh hiện tại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô cùng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển.

Về điều hành kinh tế vĩ mô, ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cần chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

Bảo vệ đối tượng yếu thế và hỗ trợ doanh nghiệp

Về chính sách tài khóa, ông Dũng cho rằng cần nâng cao tính chủ động trong ban hành và tổ chức thực hiện, giảm thiểu tối đa độ trễ từ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền đến tổ chức thực hiện, thời gian tác động chính sách đến nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp.

“Các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đồng thời bảo đảm dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau năm 2023”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Jonahna Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), lưu ý Chính phủ quan tâm tới một số nhóm đặc biệt và những hộ dân chưa nhận được sự bảo trợ xã hội, các cá thể hoạt động độc lập trong thị trường lao động như nông dân, chủ doanh nghiệp gia đình, lao động di cư.

Bà Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), đề xuất Việt Nam nên có chính sách trong ngành y tế để đảm bảo nhóm dễ bị tổn thương tiếp cận được dịch vụ y tế.

Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường năng lực hệ thống y tế để hạn chế tổn thương với người dân như giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19. “Việt Nam có hệ thống y tế cơ sở tốt và mạnh nên mới có thể cung cấp các dịch vụ cho người dân dễ dàng. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục đầu tư vào hệ thống y tế cơ sở”, bà Escalante nói.

Về chính sách tiền tệ, ông Dũng kiến nghị cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, vừa bảo đảm linh hoạt để vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì mặt bằng lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác truyền thông về quan điểm, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, góp phần tránh tâm lý kỳ vọng.

Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu giữ ổn định tỷ giá để giữ ổn định vĩ mô trong bối cảnh Fed điều chỉnh tăng lãi suất vào ngày 21-9 tới.

“Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá. Kiềm chế lạm phát chúng ta đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, cùng với ổn định tỷ giá ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam”, ông Phước phân tích.

Để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm, GS. Hoàng Văn Cường, Phó hHiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Theo đó, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng không phải thắt chặt qua việc bổ sung các công cụ để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, và mở rộng thêm hai yếu tố để kiểm soát tăng trưởng.

Cụ thể, những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân thấp hơn mức bình quân chung thì tốc độ tăng trưởng phải cao hơn ngân hàng khác. Những ngân hàng duy trì được khoản chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất vay thấp thì các ngân hàng đấy cũng sẽ được tăng trưởng tín dụng cao.

“Nếu chúng ta sử dụng những chỉ tiêu này thì sẽ biết được các ngân hàng thực sự quản trị tốt, có mức hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, không xảy ra tình trạng các ngân hàng chạy đua để tăng lãi suất. Tất nhiên làm việc này vô cùng khó khăn đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực cho NHNN trong việc kiểm soát hệ thống ngân hàng thông qua hệ thống về số hóa”, ông Cường phân tích.

Bên cạnh những định hướng trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân tối đa kế hoạch vốn đầu tư công được giao. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước hằng năm đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 100%.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, trọng điểm, cụ thể hóa đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng.

Đề nghị của ông Dũng được đưa ra trong bối cảnh việc giải ngân vốn đầu tư công năm nay nếu tăng thêm 1% so năm trước sẽ giúp GDP tăng thêm 0,058%, theo phân tích của các chuyên gia.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-truong-kinh-te-se-kho-khan-hon-trong-qui-4-2022-va-nam-2023/