Tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Bám sát sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai kịp thời, đúng đối tượng các chương trình tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước và của tỉnh gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoàng Su Phì giao dịch tại xã Nậm Ty.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, tổng dư nợ toàn chi nhánh tính đến 30.6.2023 đạt 4.592,9 tỷ đồng/92.842 khách hàng, tăng 291,3 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 6,8%. Bình quân dư nợ 49,4 triệu đồng/khách hàng, tăng 2,2 triệu đồng/khách hàng so với năm 2022. Một số huyện có tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh như: Hội sở tỉnh 12,3%; Mèo Vạc 9,3%; Bắc Mê 8,7%; Vị Xuyên 7,3%; Xín Mần 7%...

Trong 6 tháng đầu năm đã có 15.372 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó có 8.034 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất; 2.234 hộ tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh doanh; 2.317 hộ được vay vốn tạo việc làm; 1.805 hộ vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 60 hộ vay vốn xây dựng nhà ở xã hội; 513 hộ vay vốn cải tạo vườn tạp, phát triển cây cam Sành. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan chuyên môn đã lồng ghép các chương trình tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng gia đình và ứng dụng KHKT vào sản xuất. Qua đó, giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên trong sản xuất để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đi đôi với tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh thường xuyên thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hạn chế phát sinh nợ quá hạn - lãi tồn đọng. Trong 6 tháng đầu năm, doanh số thu nợ toàn chi nhánh đạt 495,5 tỷ đồng. Một số phòng giao dịch thực hiện tốt, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn cao như: Đồng Văn 97,1%; Mèo Vạc 97%; Quang Bình 96%, Bắc Quang 95%... Đến 30.6.2023, nợ quá hạn là 3.201 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,07%/tổng dư nợ, giảm 219 triệu đồng so với đầu năm.

Cùng với đó, các phòng giao dịch luôn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động tín dụng chính sách; các chương trình tín dụng đang được triển khai tại Ngân hàng CSXH để nhân dân nắm bắt và tiếp cận. Tổ chức rà soát nhu cầu vay vốn từ cơ sở; hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và hoàn trả vốn vay, từ đó góp phần bảo toàn, phát triển nguồn vốn và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Tổng dư nợ cho vay ủy thác đến ngày 30.6.2023 đạt 4.586,9 tỷ đồng/92.761 hộ vay vốn, tăng 292,5 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ bình quân đạt 49,4 triệu đồng/hộ, với 2.590 tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại 193 xã, phường, thị trấn; bình quân 36 thành viên/tổ, dư nợ bình quân đạt 1.771 triệu đồng/tổ. Hoạt động của tổ TK&VV thường xuyên được quan tâm, duy trì ổn định với số lượng tổ tốt, khá chiếm 98,5%; tổ trung bình chiếm 1,5%, không có tổ xếp loại yếu kém.

Đặc biệt, Ngân hàng CSXH tỉnh luôn quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch tại các xã nhằm giúp người dân tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay ưu đãi, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đặt các điểm giao dịch tại 193/193 xã, phường, thị trấn, niêm yết đầy đủ, công khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, niêm yết danh sách hộ vay, thủ tục giải quyết công việc, công khai số điện thoại đường dây nóng… Quy trình giao dịch tại xã ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng kịp thời các yêu cầu nghiệp vụ. Khi thực hiện giao dịch tại xã, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn trực tiếp trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác và tổ TK&VV, từ đó nắm bắt kịp thời những khó khăn, tồn tại, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp, kế hoạch triển khai tín dụng chính sách hiệu quả. Không những vậy, cán bộ Ngân hàng CSXH tại điểm giao dịch xã còn hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, thông tin những chủ trương, chính sách mới về vốn vay ưu đãi của Nhà nước để các tổ TK&VV và người dân nắm bắt.

Nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay chất lượng tín dụng luôn duy trì xếp loại tốt, nợ xấu và nợ quá hạn ở mức thấp; chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động của tổ TK&VV không ngừng nâng cao, tăng dần tổng dư nợ và tốc độ tăng trưởng tín dụng, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/ngan-hang-chinh-sach/202307/tang-truong-di-doi-voi-nang-cao-chat-luong-tin-dung-chinh-sach-4e972d9/