Tăng tính cạnh tranh cho bóng đá nữ

Sau World Cup nữ 2023, bóng đá nữ Việt Nam cần được đầu tư phát triển thế nào? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Văn Nhật, Trưởng ban Bóng đá nữ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để tìm câu trả lời.

Phóng viên (PV): Ông nhận định như thế nào về mục tiêu góp mặt tại World Cup nữ 2027 của bóng đá nữ Việt Nam?

Ông Đỗ Văn Nhật: Tham dự World Cup nữ 2023 không đồng nghĩa với việc đội tuyển nữ Việt Nam sẽ thuận lợi giành vé dự World Cup nữ 2027. Tính cạnh tranh trong bóng đá nữ trên thế giới ngày càng cao. Tham dự kỳ World Cup tới là mục tiêu không dễ đạt được và bóng đá nữ Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.

Một pha bắt bóng chính xác của thủ môn Kim Thanh trong trận đấu giữa Đội tuyển nữ Việt Nam và Đội tuyển nữ Mỹ. Ảnh: TTXVN

PV: Cụ thể là những việc gì, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Nhật: Ở Việt Nam hiện mới có 6 câu lạc bộ (CLB) bóng đá nữ; trong đó 1 CLB được đầu tư bởi doanh nghiệp, 5 CLB được đầu tư bởi ngân sách nhà nước. Hệ thống giải đấu cũng hạn chế khi mới có giải bóng đá nữ vô địch quốc gia, cúp quốc gia, giải bóng đá nữ U.16 và U.19 quốc gia. Với vai trò tư vấn chuyên môn, tôi đề xuất: Sau World Cup nữ 2023, VFF cần phối hợp với một số đơn vị mở rộng thêm các giải đấu như U.11, U.13; hỗ trợ mở thêm từ 3 đến 5 CLB nữ, từ đó tăng tính cạnh tranh và khuyến khích phát triển phong trào rộng khắp.

PV: Một CLB bóng đá nam ở V-League cần 50 tỷ đồng/năm để hoạt động, còn với một CLB bóng đá nữ thì cần lượng tài chính bao nhiêu?

Ông Đỗ Văn Nhật: Trong 6 CLB nữ thì duy nhất Sơn La chưa có nhà tài trợ. Ngay cả những đội bóng có tài trợ thì thu nhập của cầu thủ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn. Thế mới có chuyện cầu thủ nữ cố gắng lên tuyển quốc gia để hưởng chế độ tốt hơn. Những cầu thủ ở CLB thì thu nhập khó đủ chi tiêu cho cuộc sống. Hiện nay, mỗi CLB nữ Việt Nam chỉ nhận khoản tài trợ khiêm tốn từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm. Nếu mỗi CLB nữ được hỗ trợ từ 3 đến 5 tỷ đồng/năm sẽ cải thiện rất lớn đời sống cầu thủ, từ đó tạo động lực khuyến khích các em nỗ lực hết mình với nghề. Muốn “sống tốt”, mỗi CLB nữ cần kinh phí hoạt động hơn 10 tỷ đồng/năm.

PV: Làm thế nào để đội tuyển nữ Việt Nam rút ngắn khoảng cách trình độ với những đội bóng hàng đầu thế giới, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Nhật: Qua 3 trận đấu tại World Cup nữ 2023, thấy rõ thể hình và thể lực của cầu thủ nữ Việt Nam thua xa so với những đội bóng hàng đầu thế giới. Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư phát triển bóng đá nữ trẻ bài bản, cải thiện đời sống cầu thủ, vấn đề quan trọng nhất là cần nâng cao thể hình, thể chất cầu thủ. Một trong những phương án được tính tới là bóng đá nữ Việt Nam cần chiêu mộ cầu thủ Việt kiều, thậm chí nhập tịch cầu thủ.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn là tài chính bởi lương của những cầu thủ này khá cao và tôi mong rằng VFF sẽ hỗ trợ các CLB nữ giải quyết bài toán này. Việc chiêu mộ cầu thủ Việt kiều, nhập tịch cần được triển khai sớm, bởi họ cần thời gian làm quen thi đấu, hiểu được triết lý phát triển của bóng đá nữ Việt Nam. Nếu trong đội hình đội tuyển nữ Việt Nam có khoảng 5 cầu thủ Việt kiều hoặc nhập tịch thì trình độ của đội sẽ được nâng lên đáng kể. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho bóng đá nữ còn hạn chế, chúng ta cần kêu gọi sự chung tay của xã hội để dần tháo gỡ khó khăn, góp sức giúp đội tuyển nữ Việt Nam vươn tầm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOA LƯ (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/tang-tinh-canh-tranh-cho-bong-da-nu-737380