Tăng sức mạnh hoạt động giải trình

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới ký ban hành Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Với việc quy định cụ thể nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết, sẽ tăng sức mạnh hoạt động giải trình, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Giải trình là hoạt động thường xuyên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Thực tế cho thấy, qua các phiên giải trình đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề nóng, vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, do chưa có những quy định cụ thể về phiên giải trình nên hoạt động giải trình có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Để khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rõ về tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình và người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình. Theo đó, vấn đề được giải trình được lựa chọn là vấn đề cụ thể, vụ việc xảy ra có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội; vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm, đòi hỏi phải được làm rõ, giải quyết kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Vấn đề được lựa chọn giải trình cũng có thể là vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật, hoặc có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục; hoặc là vấn đề đã ghi trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề hoặc kết luận vấn đề được giải trình, kiến nghị giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhưng thực hiện chưa hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Người được yêu cầu giải trình là thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Việc lựa chọn người được yêu cầu giải trình đối với phiên giải trình cụ thể phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Thông thường trong các phiên giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình là đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, thì nay Nghị quyết quy định người tham gia giải trình có thể là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cá nhân khác có liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều vấn đề nóng, những vấn đề bức thiết phát sinh trong cuộc sống mà cử tri, nhân dân quan tâm và muốn có giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, ngoài những vấn đề ở tầm vĩ mô, có cả những vấn đề phát sinh từ thực tế ở địa phương. Do đó, việc quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cá nhân khác có liên quan cùng tham gia sẽ giúp cho vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm được giải trình cụ thể, sâu sát và hiệu quả hơn. Bởi không ai rõ hơn những vấn đề phát sinh từ cơ sở, từ địa phương bằng chính người trong cuộc, người đứng đầu địa phương đó.

Mục đích của hoạt động giải trình là ra được kết luận cụ thể. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, nếu chúng ta giám sát, giải trình xong mà không có kết luận thì không có hiệu lực.

Để có cơ sở cho việc thực hiện của các chủ thể được yêu cầu giải trình, cũng như có cơ sở cho việc giám sát thực hiện, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quy định rõ: Kết luận vấn đề được giải trình được thông qua tại phiên giải trình. Kết luận vấn đề được giải trình phải có kiến nghị, yêu cầu cụ thể, rõ ràng, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện kết luận, trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết luận vấn đề được giải trình được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, người được yêu cầu giải trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về hoạt động giải trình với những quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình và người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình; kết luận vấn đề được giải trình… thể hiện rõ tinh thần Quốc hội luôn đổi mới trong hoạt động. Tin rằng, nghị quyết sẽ tạo thêm “sức mạnh” cho hoạt động giải trình, để những vấn đề nóng, những vấn đề có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội sẽ sớm được làm rõ, giải quyết kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tang-suc-manh-hoat-dong-giai-trinh-i359144/