Tặng quà đổi lấy niềm vui.

Đi nhiều đến những xứ lạ có khi nảy ra cái thú: Tặng quà. Quà của ta mang sang tặng cho bạn bè bên ấy. Quà mua từ bên ấy mang về tặng cho bạn bè bên này. Một va li quà mang đi và một va li quà mang về...

Ảnh minh họa

Tôi thường làm vậy. Thích như vậy. Đồ mỹ nghệ thủ công của ta mang đi. Đồ lưu niệm của bạn mang về.

Nói về đồ thủ công mỹ nghệ của ta: nếu đi sang các nước Âu - Mỹ thì nó còn là đồ lạ, hiện diện của một thứ văn hóa độc đáo trong nhà người ta. Nó gây thú vị chẳng qua nhờ sự là lạ. Chất lượng sản phẩm thì không lâu bền.

Có lần thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tiếp một vị lãnh đạo ta. Ông đi sang phòng bên rồi trở lại với một bức tranh sơn mài Việt Nam qua mấy năm đã phồng rộp bong tróc, nói: Tôi thì không sao, nhưng những người không hiểu Việt Nam, nhìn một vật kỷ niệm như thế này, người ta nghĩ khác.

Một câu nói thẳng thắn, khiến ta phải nghĩ cách cải tiến việc cơ quan quản trị các bộ các ngành mua quà đem đi biếu bạn bè nước ngoài.

Đồ thủ công mỹ nghệ của ta mang sang Âu - Mỹ là như vậy. Nhưng sang các nước châu Á thì tặng quà gì cũng khó. Hãy tưởng tượng ta sang Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc; sang Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia; sang Nam Á như Ấn Độ; sang Tây Á như Iran, Iraq… hầu như đồ mỹ nghệ gì ta có thì bạn có, mà lại đẹp hơn. Hàng thêu đẹp hơn, hàng sơn mài đẹp hơn, hàng mây tre đan đẹp hơn, đồ kim loại đẹp hơn, hàng dệt đẹp hơn…

Nói phong cách nghệ thuật ai hơn ai cũng khó, nhưng ít ra nghề thủ công mỹ nghệ của bạn có truyền thống lâu đời hơn, sản phẩm được chế tác công phu hơn. Một sản phẩm nho nhỏ chỉ để bày trên mặt bàn thôi cũng như được người ta gửi cả tâm sức tâm hồn vào đấy, chi chút tỉ mỉ công phu.

Còn sản phẩm của ta, cũng sơn mài ấy, cũng thêu ấy, cũng mấy cái đĩa khắc đồng ấy, nhưng sơ sài hời hợt. Sản phẩm đúng ra phải đạt đến điểm bảy điểm tám trên mười, nhưng rồi nó chỉ thành hàng rẻ tiền đạt điểm trung bình. Kết quả là hầu như không dám mang đồ mỹ nghệ của ta sang các nước châu Á.

Thứ gì của họ cũng đẹp hơn. Đành phải chọn lấy những chiếc áo phông có hình Việt Nam có chữ Việt Nam, áo phông cũng phải chọn loại vải dầy dặn, chất lượng in hoặc thêu kha khá một tí. Gặp phải loại vải mỏng như tờ giấy, chỉ một lần giặt máy là nó quăn queo như tờ báo vò nhàu.

Quà của nước bạn mang về, chẳng cần nói là nó đem đến những điều lạ. Tôi đặc biệt thích đồ kim loại. Một tượng thần Tự Do bằng đồng cao khoảng 30cm. Một pho tượng Don Quijote nho nhỏ. Một mô hình Nhà thờ Đức bà Paris. Một pho tượng thần Shiva trong vũ điệu hủy diệt và tái tạo. Một pho tượng nhà thơ Ba Tư Ferdosi…

Mang về cho bạn bè tức là chuyển về cho họ một mảnh nhỏ của một xứ sở. Nếu không phải đồ kim loại thì bất kể những gì là sản phẩm truyền thống đặc trưng của một dân tộc. Có khi là bức tranh, tấm thảm, chiếc đĩa treo tường. Có khi chỉ là một chiếc áo phông in tên nước tên thành phố để mà ghi nhớ. Mình cũng muốn ghi nhớ.

Ngay từ bên ấy, khi nhìn thấy một vật nào đó ở cửa hàng, trong đầu mình đã nghĩ mua cái này để tặng ai. Mua. Mua. Mua. Về đến nhà thì hồ hởi mang quà đi tặng. Tặng. Tặng. Tặng. Mua đã là một cái thú. Mua và hình dung ra niềm vui trên gương mặt người nhận. Tặng cũng là một cái thú. Tặng mà người ta nhận cho cũng tự thấy là may mắn.

Tặng quà mang đến niềm vui. Tặng quà đổi lấy niềm vui. Cho đi để nhận lại một niềm vui. Vậy thì mua quà rồi tặng quà nói cho cùng là để nhận lấy niềm vui cho chính mình.

Có phần giống như người đi mua hàng, bỏ tiền ra mua cái mình thích. Thích thì mua. Vậy không phải chỉ là mua được một món hàng, mà đã mua được một niềm vui. Bạn bè người thân đủ tinh tế thì sẽ chia sẻ niềm vui ấy với cái giá ấy. Có thể đắt, nhưng đã nhận được một niềm vui thì cái giá ấy không còn quá đắt. Nhưng người thân khi ấy mà chê đắt thì xem như đã xóa mất một niềm vui. Người thân ấy quả thực là thiếu tinh tế thiếu san sẻ.

* **

Người Việt có thói quen mời nhau đi ăn, một người trả tiền cho tất cả. Bữa bia bữa rượu có cả thân và không thân, nhưng kết thúc thì vẫn một người trả tiền. Trả tiền mời người khác có khi cũng là một cách mua lấy niềm vui. Đã ngồi chung một bàn thì không giàu nghèo gì mà phải ai ăn nấy trả. Không theo kiểu người Âu người Mỹ, ai gọi món nào tự thanh toán tiền cho món ấy.

Tôi không phải họ hàng của anh, không phải bồ bịch bạn thân của anh để anh phải mời. Tôi không muốn mang tiếng lợi dụng anh bóc lột anh. Tôi không muốn chia tay anh rồi mà vẫn phải vương vấn nợ anh một bữa ăn.

Người đứng ra trả tiền là người khôn. Ở ta là vậy. Anh ra đi nhẹ nhõm, không nợ nần gì ai. Cái băn khoăn day dứt ở lại với người được trả tiền. Đấy cũng là một trong những lý do khiến cuối bữa nhiều người tranh nhau trả tiền. Người trả tiền là người chiến thắng. Còn được tiếng rộng rãi xởi lởi.

Xin kể lại, kể lần nữa, chuyện đứng ra trả tiền của một giảng viên ta sang thỉnh giảng ở một đại học Mỹ. Sau buổi học chiều thứ năm, anh thường rủ toàn bộ mười sáu sinh viên trong lớp ra quán Big Time trên đại lộ Đại học uống bia. Bia đen hoặc bia vàng, tùy ý. Rồi anh lấy quyền ông thầy để trả tiền cho tất cả. Cái lý của anh: đôi khi cũng cần xuất khẩu một tập quán của ta ra nước ngoài.

Cái lý nghe cũng được.

Nhưng mà có lẽ cũng cần phải nghĩ lại cái cách một cho tất cả ở ta. Rời bàn ăn bàn rượu không phải ai cũng thôi áy náy. Không tính đến người ăn chạc uống chạc và chủ ý nhảy vào bàn nhậu để người khác trả tiền. Không tính. Chỉ tính chuyện có những người phải vương vấn chờ đến một dịp có thể mời lại người đã trả tiền kia.

Một chút gợn lên, băn khoăn, lăn tăn, áy náy. Sao không thể giải tỏa tâm trạng này bằng phương pháp campuchia, tức là chia sẻ, tức là tự thanh toán kiểu Mỹ.

Lại xin kể một câu chuyện. Nhóm chúng tôi bước vào một quán ăn, đi qua một cái bàn thì tôi nhận ra người quen. Đúng ra thì đã từng quen, nay không quen nữa. Từng chơi, nay không chơi nữa. Chú sinh viên, làm thơ được cái giải thưởng của một tờ báo, ra trường vẫn nghèo lại chưa tìm được việc làm. Tôi có thiện cảm, tôi chở chú đến một vài tòa soạn để thăm dò tìm việc.

Có vị tổng biên tập sau đó nói riêng với tôi: Cậu này nói chuyện mắt toàn nhìn xuống đất hoặc nhìn lảng đi nơi khác, không bao giờ nhìn thẳng vào mắt ai. Lúc ấy tôi chỉ coi đó là sự quan sát thành kiến. Nhưng về sau chú xin được việc làm ở một tờ báo chuyên khai thác tình hình trật tự trị an, chú viết bài toàn ký những cái tên nữ như Nguyệt Nhi, Thảo Nhi, Thảo Mai gì đó, chú giở giọng sen đầm với văn nghệ sĩ. Chú còn viết rằng Hội nhà văn Hà Nội tôi đang quản lý đã tổ chức hội thảo về một cuốn sách chống cộng như Báu vật của đời của Mạc Ngôn.

Trớ trêu, hơn mười năm sau, năm 2012 nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn học, báo chí nước ngoài lại nhầm lẫn theo cách ngược lại: coi ông là nhà văn xu thời, bợ đỡ chế độ. Đọc kỹ mà xem, ông chẳng thế này mà cũng chẳng thế kia.

Kể lại thế để thấy rằng khi đi qua bàn nhậu của chú, tôi chỉ gật đầu lịch sự và nhớ cái câu không bao giờ nhìn thẳng vào mắt ai. Nhóm chúng tôi ăn uống vui vẻ, chuyện trò vui vẻ, cười đùa vui vẻ. Tất nhiên không còn ai nhớ đến chú bên một chiếc bàn xa xa trong cùng một quán.

Lúc ra về, gọi người đến tính tiền thì được trả lời: Anh gì ngồi bàn bên kia đã thanh toán hết rồi.

Chú. Chính chú. Chú đã rời quán từ trước và trả tiền cho nhóm chúng tôi. Chú bây giờ đã làm ăn được nhờ viết báo hình sự, đã mua được nhà mua được xe hơi.

Cả bọn tức điên lên. Người trả tiền là người chiến thắng. Người chiến thắng là người gặt bằng hết. Winner takes it all, như lời một bài hát của ABBA. Nghĩ cũng bật cười cho cái tính sĩ tính chơi trội của người đời.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tang-qua-doi-lay-niem-vui-post162904.html