Tăng lương và chỉ số giá sản xuất

Ngoài nỗi lo lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng do yếu tố tâm lý thường thấy, việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức sẽ làm tăng chỉ số giá sản xuất và tác động đến khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Từ ngày 1.7 tới, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức hiện hành. Điều này dẫn đến nhiều ý kiến lo ngại mặt bằng giá cả hàng hóa sẽ “té nước theo mưa” tăng theo lương.

Để tránh xảy ra chuyện lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, công tác điều hành giá thời gian tới sẽ bám sát thị trường, giá cả để bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội đưa ra. Cơ quan quản lý sẽ chú ý đặc biệt đến các mặt hàng chiến lược như xăng, dầu… vì giá cả mặt hàng này sẽ tác động sang giá các mặt hàng khác. Với các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ theo dõi sát sao hoạt động kê khai, thông báo giá và kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý giá để tránh tình trạng xảy ra hiện tượng găm hàng, đầu cơ tăng giá…

Từ các giải pháp mang màu sắc hành chính này có thể thấy, cơ quan quản lý dường như chưa tính đến việc tăng lương cơ sở cho khối cán bộ, công chức, viên chức sẽ làm tăng chỉ số giá sản xuất và những hệ lụy phía sau là tương đối lớn.

Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành cập nhật cho năm 2022, việc tăng lương cơ sở lần này làm tăng chỉ số giá sản xuất (producer price index - PPI) của cả nền kinh tế khoảng 0,2%. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản như thế! Khi một nhóm người được tăng lương sẽ gây sức ép với khu vực doanh nghiệp, người lao động rất có thể sẽ “đòi” chủ doanh nghiệp một mức tăng lương tương xứng. Trong trường hợp này, tính toán từ bảng cân đối liên ngành cho thấy, chỉ số giá sản xuất của cả nền kinh tế sẽ tăng khoảng 3,2% hoặc cầu tiêu dùng kém khiến doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm thì thặng dư của khối doanh nghiệp có thể sẽ bị âm.

Thực tế hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn. Theo Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam, hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của toàn bộ doanh nghiệp năm 2020 đạt 2,1%, bằng 0,95 lần so với năm 2019. Ngoài ra, chỉ số nợ chung của toàn bộ doanh nghiệp năm 2020 là 2 lần; nói cách khác, tổng số nợ bình quân của doanh nghiệp năm 2020 gấp 2 lần vốn tự có bình quân của doanh nghiệp. Về thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ là 3,5 lần; doanh nghiệp ngoài nhà nước 1,9 lần và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,5 lần. Như vậy, khi doanh nghiệp gặp khó khăn có thể dẫn đến những rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Thời gian qua, tỷ trọng cầu tiêu dùng trong GDP sụt giảm khá nhiều, từ mức 67% - 68% GDP những năm trước đây, đến năm 2022 và quý I.2023 giảm chỉ còn khoảng 55% GDP. Như đã phân tích, việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức từ ngày 1.7 tới sẽ làm tăng chỉ số giá sản xuất và tác động đến khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Vì vậy, vào lúc này, rất cần tiếp tục xây dựng và triển khai những giải pháp thực sự hỗ trợ cho sản xuất, đặc biệt là giảm chi phí đầu vào thông qua giảm thuế (nhất là các loại thuế đối với xăng dầu); giảm lãi suất cho vay; giảm thanh tra, kiểm tra để không gây bất ổn tâm lý với các doanh nghiệp; và nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công.

TS. Bùi Trinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tang-luong-va-chi-so-gia-san-xuat-i334114/