Tăng lương, doanh nghiệp khó?

Ngày 21/7/2017, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức hai hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) về chính sách lao động.

Doanh nghiệp phản đối

Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về những khó khăn khi lương tối thiểu liên tục tăng và những bất cập trong quy định đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), đặc biệt là BHXH áp dụng với người nước ngoài sẽ được thực hiện từ đầu năm 2018.

Tại phiên đối thoại, đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10 kiến nghị: Chính phủ không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định, thì lương tối thiểu mà công ty đang trả là hơn 4 triệu đồng/tháng. Riêng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, tiền đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các phí khác của công ty đã "đội" lên là 22 tỷ đồng.

Ông Việt cũng cho biết thêm, với quỹ lương hàng tháng công ty đang trả là 60 tỷ đồng/tháng trong khi lợi nhuận cả năm công ty chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng. Nếu vậy, doanh nghiệp cũng sẽ không dám đầu tư mở rộng do chi phí cho nhân công cao dẫn đến mất khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến doanh nghiệp dệt may và nhiều doanh nghiệp khác sử dụng nhiều lao động tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh…

Quang cảnh buổi đối thoại.

Việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến doanh nghiệp dệt may và nhiều doanh nghiệp khác sử dụng nhiều lao động tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh. Theo ông, không nên tăng tiền lương tối thiểu hàng năm. Nếu có tăng phải có lộ trình và nên tham khảo doanh nghiệp hoặc tăng ở mức hết sức hợp lý để doanh nghiệp có thể chịu đựng được.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hà, đại diện Công ty dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí cho biết: Việc tăng lương tối thiểu vùng nên giãn thời gian, không nên năm nào cũng tăng như thời gian gần đây. Thực tế, dù tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thu nhập vẫn giảm vì phải tăng đóng BHXH và công đoàn phí.

Cũng trong phiên đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc diễn ra trong buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch Korcham, ông Ryu Hang Ha, cho biết tính đến tháng 6/2017, Hàn Quốc đã đầu tư 54,5 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại tại Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã giúp hơn một triệu lao động Việt Nam có việc làm, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua.

Cùng với những thuận lợi mà doanh nghiệp Hàn Quốc có được tại Việt Nam, các doanh nghiệp này cũng đang gặp phải những khó khăn như triển vọng không chắc chắn của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Mỹ rút khỏi hiệp định này; chi phí cho nhân công ngày càng tăng do tăng lương tối thiểu hàng năm và đặc biệt là từ đầu năm 2018, tất cả lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải đóng BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi vì sao người lao động hàn Quốc đã đóng BHXH ở Hàn Quốc nhưng vẫn phải đóng thêm một lần BHXH nữa ở Việt Nam; cơ sở hạ tầng cũng như trình độ y tế ở Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng sao lại bắt người lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm y tế….

Theo đó, tại khoản 2, điều 4 Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9-9-2015 của BHXH Việt Nam, người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Chính sách này sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2018.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc sẽ được thực hiện với cả 5 chế độ là: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Các nội dung này tương tự như BHXH bắt buộc cho lao động Việt Nam. Quy định trên áp dụng cho lao động nước ngoài có hợp đồng từ một tháng trở lên. Tiền lương tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Mức đóng BHXH áp dụng hàng tháng là 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Chủ doanh nghiệp đóng tối đa bằng 18% tháng lương chi trả cho lao động, gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chế độ hưởng BHXH một lần áp dụng cho lao động hết hạn hợp đồng, không làm việc tiếp, lao động hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam nếu người đó có yêu cầu.

Lương tối thiểu vùng vẫn sẽ tăng

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết: Không chỉ riêng các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị đối thoại hôm nay kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng, mà một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI cũng đã kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng. Do đó, giãn lộ trình tăng lương tối thiểu là một trong những ý kiến Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ phải cân nhắc. Vì vậy, lương tối thiểu vùng năm 2018 vẫn sẽ tăng, nhưng tăng bao nhiêu sẽ quyết định tại phiên họp Hội đồng tiền lương sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này.

Một số hiệp hội đã đề nghị không tăng lương tối thiểu trong năm 2018 nhưng phía Tổng Liên đoàn lao động cho rằng nếu không tăng lương thì sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Về phía cơ quan nhà nước, Hội đồng tiền lương sẽ họp trên cơ sở hai bên thương lượng với nhau, đạt mức sống tối thiểu hay không thì chưa biết nhưng phải cải thiện được mức sống tối thiểu, phải đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp, phù hợp với năng suất lao động và mức tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Lý giải vì sao lao động nước ngoài phải đóng BHXH bắt buộc, bao gồm cả chế độ ngắn hạn và dài hạn (hưu trí, tử tuất), Thứ trưởng Diệp cho hay, Hiến pháp quy định tất cả lao động phải được đảm bảo an sinh xã hội và Việt Nam mong muốn không phân biệt đối xử giữa lao động trong và ngoài nước.

Hơn nữa, đây cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ lao động trong nước. “Chi phí tuyển dụng lao động trong nước sẽ cao hơn tuyển lao động nước ngoài nếu lao động trong nước phải đóng BHXH bắt buộc, trong khi lao động nước ngoài thì không", Thứ trưởng Diệp giải thích.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/tang-luong-doanh-nghiep-kho-203007.htm