Tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức: Nguồn nào?

Việc cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức năm nào cũng được bàn tới, song theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc thực hiện cải cách tiền lương cho đối tượng này đang rơi vào bế tắc do thiếu nguồn kinh phí.

Vấn đề tăng lương luôn được bàn luận nhưng chưa có bước cải cách mạnh mẽ những năm qua. Ảnh: ST.

“Vay lương” để tăng lương?

Thời gian qua, cả Bộ Nội vụ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức một số hội thảo, hội nghị liên quan tới vấn đề cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung được bàn bạc rất nhiều như cải cách thế nào, cải cách ra sao, song vấn đề mấu chốt nhất chính là nguồn tiền để cải cách tiền lương thì ít đại biểu nhắc tới, hay nói như ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ “đã nhiều lần bàn tới cải cách tiền lương, song nói tới tiền thì lại dừng lại”.

Bà Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức bà quan tâm duy nhất tới vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”. Theo bà Huyên, muốn có nguồn tiền để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, có hai cách, thứ nhất là cắt giảm kinh phí hoạt động của các hội đoàn. Thứ hai, các cơ quan quản lý có thể huy động một phần tiền lương của công chức để cải cách chính sách tiền lương của chính họ.

Phân tích cụ thể về điều này, bà Huyên nói: Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, năm 2014, tổng số tiền ngân sách Nhà nước chi cho các tổ chức quần chúng công (các tổ chức chính trị- xã hội, chính trị- xã hội- nghề nghiệp) từ Trung ương đến xã, phường, thôn là hơn 14.000 tỷ đồng. Song đây chỉ mới là những khoản thực thi cho các tổ chức này được ghi trong quyết toán ngân sách. Con số này chưa tính đến các khoản chi để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, một phần bảo hiểm xã hội và BHYT, chi trả lương hưu cho cán bộ, công chức làm việc cho các tổ chức quần chúng công. Nếu tính đủ cả chi phí kinh tế, xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ hơn 45.000 đến hơn 68.000 tỷ đồng. “Như vậy nếu chuyển một số tổ chức quần chúng công sang hoạt động theo cơ chế tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì ngân sách Nhà nước sẽ không phải chi một khoản lớn. Nguồn ngân sách tiết kiệm được này có thể dùng để cải cách tiền lương”, bà Huyên phân tích.

Để có nguồn tiền cải cách tiền lương, bên cạnh việc giảm chi tiêu cho các hội đoàn, bà Huyên cũng cho rằng các cơ quan quản lý có thể huy động một phần tiền lương của công chức để cải cách chính sách tiền lương của chính họ. Lý giải rõ hơn về đề xuất này, bà Huyền dẫn chứng: Sau khi tính toán theo nguyên tắc trên, giả sử tiền lương của chuyên viên chính bậc 4 là 10 triệu đồng. Tuy nhiên hiện ngân sách mới chỉ đảm bảo được 6 triệu đồng; phần thiếu hụt là 4 triệu đồng. Khoản thiếu hụt 4 triệu đồng phải vay chính công chức theo hợp đồng và coi đó như khoản “thế chấp” cho chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức. Nhà nước sẽ chi trả toàn bộ khoản vay này cho cán bộ, công chức, viên chức khi họ nghỉ hưu hoặc chết hoặc có nhu cầu chính đáng khác nếu hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo vị trí công tác được giao; trường hợp nếu vi phạm hình thức kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức sẽ bị khấu trừ từng phần tương ứng hoặc sẽ sung công toàn bộ nếu phạm tội bất kỳ tội danh nào theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Cần chính sách đồng bộ

Cải cách tiền lương là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, song để thực hiện cần làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Vụ trưởng Vụ Lao động, tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu quan điểm, trong số hơn 2,7 triệu công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách, có tới 700.000 người không làm được việc, chi phí phải trả cho họ mỗi năm là 170.000 tỷ đồng. Nếu “dàn hàng ngang” để tăng lương vừa vượt quá khả năng chịu đựng của Nhà nước lại vừa không công bằng với những người làm việc hiệu quả, làm việc thực sự. Chính vì vậy, để giải bài toán tăng lương, thúc đẩy guồng máy làm việc phát triển thì việc tăng lương phải có sự chọn lựa, thang bảng lương phải công bằng, minh bạch. Cơ quan, đơn vị nào đủ điều kiện thì thực hiện Đề án cải cách tiền lương, không làm đồng loạt.

Bên cạnh đó, ông Lợi nhấn mạnh, để thực sự cải cách tiền lương, cần cải cách đồng bộ chính sách bảo hiểm xã hội, BHYT, chính sách người có công. Thay đổi chính sách viện phí và BHYT để xóa bỏ việc khám chữa bệnh theo chức vụ. Đồng thời xem xét xóa bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp về nhà, đất; việc mua nhà, đất theo giá thấp; xem xét chế độ phương tiện đi lại và các chế độ bao cấp khác để xử lý cho phù hợp, hiệu quả. “Tách chính sách tiền lương khu vực tự trang trải với khu vực ngân sách chi trả. Giao toàn quyền quyết định tiền lương khu vực tự trang trải cho tổ chức đại diện tập thể người lao động và người sử dụng lao động. Nhà nước chỉ tập trung giải quyết tiền lương khu vực chi từ ngân sách", nguyên Vụ trưởng Vụ Lao động, tiền lương nói.

Còn quan điểm của ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì cho rằng, cần khẩn trương cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu chi tiêu công theo hướng giảm dần đầu tư công xuống còn dưới 20% (hiện nay khoảng 30%) tổng đầu tư của toàn xã hội. Đồng thời rà soát chi tiêu công, thực hiện tiết kiệm 10% hiệu quả sử dụng ngân sách, kiên quyết dành tỷ lệ thích đáng cho cải cách tiền lương. Thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế và xã hội, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức sự nghiệp công, tạo cơ chế cho các tổ chức sự nghiệp công có nguồn thu tự trang trải cho hoạt động và trả lương.

“Bên cạnh đó cần có bước đi cụ thể quá trình tiền tệ hóa tiền lương, các thu nhập ngoài lương phải được kiểm soát. Nguyên tắc chủ đạo là phải có những bứt phá mới trong việc thiết kế lại hệ thống thang bảng lương đơn giản, phù hợp hơn. Đồng thời tổng rà soát, sắp xếp tinh giản biên chế nhà nước, tiến hành quyết liệt việc tách quản lý hành chính Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và sự nghiệp dịch vụ công”, ông Thang Văn Phúc nói.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tang-luong-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-nguon-nao.aspx