Tăng hình thức xử lý bạo lực gia đình

NDĐT- Mặc dù đã có luật về bạo lực gia đình cũng như sự phối hợp liên ngành trong công tác chống bạo lực gia đình, nhưng trên thực tế tình hình bạo lực gia đình vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp cả về số vụ và tính chất.

Thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, chỉ chín tháng đầu năm 2011 đã có 33.904 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), trong đó số vụ với phụ nữ là 12.699 vụ, chỉ xử lý được 1.855 vụ.

Ngày 1 và 2-12, tại TP Hạ Long, Bộ Công an phối hợp cùng Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo về vấn đề xử lý bạo lực gia đình với phụ nữ tại Việt Nam với chuyên đề “Vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ nạn nhân nữ của bạo lực gia đình và truy cứu trách nhiệm của người gây bạo lực”.

Còn thiếu định chế

Theo Bà Daria Hagemann, Văn phòng thường trực Phòng chống ma túy của Liên hợp quốc tại Việt Nam, chỉ trong trường hợp BLGĐ “gây hậu quả nghiêm trọng” thì mới bị xử lý hình sự. Trong những trường hợp này, trước khi người phạm tội bị xử lý pháp luật thì nạn nhân bạo hành đã phải chịu nhiều tổn thương. Số vụ việc bạo hành gia đình ít được cán bộ trợ giúp pháp lý chú ý tới. Hình thức hòa giải chiếm 61%. Tuy nhiên kết quả hòa giải mang lại không khả quan.

Thực tế việc tiếp nhận, xử lý các hành vi bạo lực trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng hình sự - CA TP Hà Nội cho rằng, do phong tục tập quán của người Việt Nam, nên nhiều người không thích pháp luật can thiệp vào đời sống của họ.

Theo ông Tính, về mặt quản lý nhà nước, hiện chưa xây dựng được phương án điều tra thực trạng tình hình bạo lực gia đình nên chưa có kế hoạch và giải pháp cụ thể, chủ yếu mới dừng lại ở tuyên truyền, giáo dục, chưa có cán bộ chuyên trách công tác gia đình ở cơ sở.

Đối với nhiều vụ bạo lực gia đình khi áp dụng xử lý theo hành vi cố ý gây thương tích, thì theo quy định của pháp luật hiện nay, phải có kết quả giám định thương tích từ 11% trở lên mới có căn cứ để áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự.

Trong nhiều trường hợp do nạn nhân từ chối giám định, không tố giác… nên cơ quan điều tra không có căn cứ tiến hành các biện pháp điều tra, giải quyết, xử lý theo pháp luật được. Nhiều hành vi bạo lực gia đình chưa được cụ thể rõ ràng trong Bộ luật Hình sự gây khó khăn cho công tác xử lý - ông Tính cho biết.

Khuyến nghị nhiều hình thức xử lý

Từ thực tế xử lý BLGĐ tại các địa phương, ông Nguyễn Phương Nghi, đại biểu tỉnh Bến Tre cho biết, chưa có dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho nạn nhân BLGĐ. Các địa chỉ tư vấn pháp lý chưa được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nạn nhân chưa biết rõ nơi sẽ được trợ giúp về pháp lý.

Theo ông Nghi, cần có dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho nạn nhân. Đồng thời nên có đường dây nóng cho nạn nhân, có đội phản ứng nhanh để giúp đỡ khi cần thiết.

Hội thảo đã chia thành ba nhóm chính để thảo luận, đưa ra những khuyến nghị về xử phạt hành chính, hình sự và dân sự.

Theo đó, về xử phạt hành chính, nhiều ý kiến cho rằng mức độ xử phạt hành chính có tính răn đe chưa cao, nhiều người nộp phạt xong vẫn tiếp tục tái diễn tình trạng bạo hành. Đề nghị nên bổ sung thêm biện pháp xử phạt, ví dụ như lao động bắt buộc trong cộng đồng. Người bạo hành phải được giáo dục về các kiến thức về luật bạo hành, cũng như có sự hỗ trợ về mặt tâm lý.

Đề nghị việc xử lý hình sự đối với bạo lực gia đình, Thượng tá Phạm Minh Chiêu, giảng viên Học viện Cảnh sát cho rằng, trở ngại chính là từ nạn nhân không chịu khai báo với công an.

Thượng tá Chiêu phân tích, bởi theo tâm lý “một điều nhịn, chín sự lành”, cũng như không ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về luật bạo hành gia đình còn yếu, không chỉ tuyên truyền nhóm nạn nhân mà còn phải tuyên truyền ở chủ thể gây ra hành vi đó.

Trên phương diện luật dân sự, nhiều ý kiến lại chỉ ra những thách thức mà chính quyền và nạn nhân gặp phải trong việc tiếp cận hỗ trợ của tòa án dân sự. Chẳng hạn như việc khó xác định mức độ thương tật về bạo lực tinh thần; kỹ năng làm việc của các tòa án với nạn nhân còn thiếu khéo léo, tế nhị; người bị bạo hành còn thiếu kiến thức về luật, về quyền lợi của mình.

Trong khi điều kiện đáp ứng với luật về việc giám sát và thi hành án còn nhiều hạn chế, đặt ra nhiều câu hỏi: cách ly nạn nhân như thế nào khi chính chồng họ là thủ phạm, ai nuôi họ, ai bảo vệ họ?

Cùng nhất trí với việc bổ sung hình thức phạt lao động cưỡng bức đối với người gây ra bạo lực, một số ý kiến còn đề nghị, khi hết thời gian tiếp xúc với nạn nhân, người gây BLGĐ cần phải được tập huấn ba ngày về các kiến thức bạo lực gia đình và trách nhiệm của người gây ra bạo lực.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/phap-luat/th-i-s/t-ng-hinh-th-c-x-l-b-o-l-c-gia-inh-1.323835