Tăng giá vé xe buýt: Giảm trợ giá, đẩy khó cho dân

Sở GTVT vừa có đệ trình lên UBND TP Hà Nội phương án tăng giá vé xe buýt bắt đầu từ năm 2014. Nếu được chấp thuận, đây là lần thứ 2, giá vé xe buýt được điều chỉnh trong 2 năm. Dù tăng chặng ít nhất 16% đến chặng cao nhất là 40%, thì việc điều chỉnh này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân. Một khía cạnh khác, dù giá liên tục tăng, song chất lượng dịch vụ tăng có xứng tầm hay không, thì chưa ai dám chắc.

Tăng giá, người dân chịu thiệt, ngân sách đỡ hơn 230 tỷ

Theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội với UBND thành phố Hà Nội, giá vé xe buýt cự ly tuyến dưới 25km sẽ là 7.000 đồng/lượt (hiện đang là 5.000 đồng, tương đương tăng 40%); Cự ly tuyến từ 25 đến 30km hiện đang có giá vé là 6.000 đồng, nay tăng lên thành 7.000 đồng (mức tăng 16%) và cự ly trên 30km tăng từ mức 7.000 đồng hiện nay lên thành 8.000 đồng (mức tăng 14%).

Đối với vé tháng, loại ưu tiên 1 tuyến (học sinh, sinh viên) tăng từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng; Loại ưu tiên liên tuyến (học sinh, sinh viên) tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng; Đối tượng không ưu tiên 1 tuyến tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng; Đối tượng không ưu tiên liên tuyến tăng từ 140.000 đồng lên 200.000 đồng. Trước đó, hồi cuối tháng 10 năm ngoái, giá vé xe buýt của Thủ đô cũng tăng với mức cao nhất lên tới gần 70% (từ mức 3.000 đồng/lượt cho cự ly dưới 25km lên 5.000 đồng/lượt).

Nói về lý do tăng giá vé, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh giá cả yếu tố đầu vào chủ yếu tăng như nhiên liệu, tiền lương… dẫn đến chi phí cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tăng và tình hình thu ngân sách của Thành phố giảm do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Do đó, việc điều chỉnh giá vé trong giai đoạn hiện nay là cần thiết.

“Trong những năm qua, hàng năm ngân sách Thành phố phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn để trợ giá cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Năm 2010, số tiền trợ giá là 621 tỷ đồng, năm 2011 là 1.332 tỷ đồng, năm 2012 là 1.020 tỷ đồng và dự kiến năm 2013 là 1.134 tỷ đồng. Sau khi tăng giá nếu khách đi vé tháng không đổi thì doanh thu tăng thêm 237,2 tỷ đồng/năm, đạt 977,4 tỷ đồng/năm. Điều này cũng có nghĩa là ngân sách sẽ đỡ thêm hơn 237 tỷ đồng” - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải bổ sung.

Giá tăng, chất lượng có tăng?

Khi đặt câu hỏi, liệu giá vé tăng, chất lượng dịch vụ có được đảm bảo hơn không? Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, chắc chắn các đơn vị sẽ phải tăng chất lượng dịch vụ, thế nhưng tăng ngay hay không thì chưa thể khẳng định. Cùng đó, ông Nguyễn Hoàng Hải vẫn cho rằng, việc điều chỉnh giá vé lượt (dành cho khách đi lại không thường xuyên, khách vãng lai) sẽ tác động không lớn đến thu nhập của đa số người dân sử dụng dịch vụ xe buýt và vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khách.

Thế nhưng, chia sẻ với phóng viên, giám đốc một công ty xe buýt tại Hà Nội chia sẻ: Ở lần tăng giá trước, ít nhiều lượng khách cũng có thay đổi. Bởi với người dân khó khăn, tăng giá đi lại dù ít dù nhiều họ cũng phải tính toán. Đồng quan điểm này, trên diễn đàn buýt Hà Nội, không ít hành khách đã tỏ thái độ bất bình về thông tin tăng giá vé.

“Kinh tế khó khăn, kiếm được đồng tiền đã khó, giá cả lúc nào cũng chực tăng, lương thì chả thấy tăng. Xăng tăng, điện, nước, phòng, thực phẩm tăng, học phí tăng giờ lại thêm vụ xe bus tăng giá vé. Vẫn biết phải chia sẻ với nhà nước, nhưng cứ mỗi thứ một chút như thế thì… chịu sao thấu?” – một hành khách than thở?

Cho đến thời điểm này, để có thể đi xe buýt với giá như hiện nay, thì ngân sách đã trợ giá đến 60% giá trị thực. Việc tăng giá lần này cũng nhằm đưa người dân vào việc san sẻ bớt gánh nặng trợ giá. Song, tăng giá, nếu không đi đôi với tăng chất lượng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp không đảm bảo để xe buýt thực sự trở thành phương tiện công cộng hữu ích, thì đúng là đang đẩy cái khó, cái khổ về cho người dân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2013/11/214895.cand