Tăng giá dịch vụ công tác động tới lạm phát

(HQ Online)- Với mức tăng trong 6 tháng qua, giá các dịch vụ công (nhóm giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế) đã tác động khá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả nước. Câu hỏi đang được đặt ra vào thời điểm này là, điều chỉnh giá 2 nhóm hàng này như thế nào để duy trì được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát của cả năm 2016.

Một số tỉnh tăng học phí làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục 6 tháng đầu năm 2016 tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước.

Tác động mạnh lên CPI

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân cả nước 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng tháng 6-2016, chỉ số này tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2015 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu tính CPI theo 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, mức tăng của nhóm thuốc, dịch vụ y tế (17,69%) và nhóm giáo dục (4,09%) cao hơn rất nhiều so với mức tăng chung (1,72%).

Phân tích thêm, bà Phùng Thị Ánh Ngọc - Phó trưởng Phòng Phân tích tổng hợp dự báo, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Bên cạnh biến động tăng của giá nguyên nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm và tăng lương tối thiểu, mức tăng CPI trong 6 tháng qua chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) theo thị trường.

Cụ thể, cuối năm 2015, Liên Bộ Y tế- Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc với lộ trình hai bước điều chỉnh. Giá dịch vụ y tế hiện đã thực hiện bước tăng thứ nhất từ 1-3-2016 với việc điều chỉnh các chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Điều này đã tác động đẩy giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,12%, góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,86% so cùng kỳ năm trước.

Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 4,47% so cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,22% so cùng kỳ năm trước. Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết tháng 5-2016, cả nước có 20 tỉnh điều chỉnh mức học phí tăng so với năm học 2014-2015, trong đó, mức tăng bình quân từ 2%-10% tùy theo vùng. Dự kiến trong năm học mới 2016 -2017, giá dịch vụ giáo dục tiếp tục được các địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo điều chỉnh theo lộ trình.

Có thể không tăng theo lộ trình?

PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nhận định: Dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt trong nửa sau khi các nhóm hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh.

Đưa ra giải pháp để kiềm chế lạm phát dưới 5% trong bối cảnh nói trên, ông Ngô Trí Long cho rằng: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung, cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo thông tin. Bên cạnh đó, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, chống thất thu, thanh tra, kiểm tra giá,... phải được triển khai đồng bộ, nghiêm túc để góp phần thúc đẩy tăng trưởng đạt mức 6,7% cho năm 2016 như Quốc hội đã đề ra. Với sự điều hành thận trọng, loại trừ những diễn biến phức tạp ngoại sinh, lạm phát chung cả năm có thể ở mức khoảng 4,2%.

Khuyến nghị cụ thể hơn đối với giá dịch vụ công, TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế cho biết: Căn cứ vào thực trạng CPI nửa đầu năm 2016 đã tăng 2,35% so với cuối năm 2015, cơ quan quản lý có thể tăng giá dịch vụ giáo dục một lần vào tháng 9-2016 với mức tăng khoảng 10%. Việc tăng giá dịch vụ y tế nên cân nhắc cẩn trọng hơn sau khi đã tăng sốc vào tháng 3-2016. Phương án tăng giá dịch vụ y tế (nếu có thể) nên thực hiện vào tháng 11-2016 sau khi đã có diễn biến CPI 10 tháng. Nếu CPI 10 tháng so với cuối năm 2015 chỉ tăng khoảng 4% thì có thể điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế khoảng 7%, ngược lại nếu trên 4% thì không nên tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế nửa cuối năm 2016 nữa.

Đồng quan điểm này, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cũng đưa ra đề xuất: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán tác động của việc tăng giá đến chỉ số giá tiêu dùng, cân nhắc thời điểm và liều lượng điều chỉnh giữa các địa phương để tránh tác động cộng hưởng đến mặt bằng giá chung. Đối với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, để kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Chính phủ và Quốc hội đã đề ra, trong trường hợp giá dầu tăng cao ảnh hưởng mạnh đến CPI, hoặc diễn biến kinh tế xã hội không thuận lợi, Bộ Y tế cần xem xét, cân nhắc tiến độ thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế của đợt cuối năm 2016.

Kịch bản dự báo tác động của một số yếu tố chủ yếu đến CPI:

- Nếu giá dầu trung bình các tháng cuối năm là 50 USD/thùng, 55 USD/thùng và 60 USD/thùng sẽ tác động làm tăng CPI lần lượt là 0,3%; 0,6%; 0,9%.

- Việc tăng giá dịch vụ y tế đợt 2 dự kiến tác động làm tăng CPI 1,94%;

- Việc tăng giá dịch vụ giáo dục trong cả năm 2016 dự kiến tác động làm tăng CPI 0,36%;

Như vậy, mức tăng CPI chung trong 6 tháng cuối năm (chưa tính đến các yếu tố thị trường) trong khoảng 2,6 – 3,2 %, đưa CPI năm 2016 có thể tăng trên 5% nếu tính theo gốc so sánh CPI tháng 12 năm hiện hành so tháng 12 năm trước. Tuy nhiên, nếu sử dụng chỉ số CPI bình quân 12 tháng năm hiện hành so với cùng kỳ năm trước, lạm phát năm 2016 dự kiến trong khoảng 3-3,5%.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tang-gia-dich-vu-cong-tac-dong-toi-lam-phat.aspx