Tăng cường xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, huyện Quỳnh Nhai triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện xóa mù chữ và giáo dục sau biết chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

Gần 3 tháng nay, vào 5 giờ chiều tại nhà văn hóa bản Lò Củ, Pạ Lò, xã Cà Nàng, có 114 học viên của lớp xóa mù chữ miệt mài đến học chữ; 100% học viên là người dân tộc Thái, Kháng vốn quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, nhưng từ khi lớp học được mở, các học viên đã gác lại công việc nhà, đi học đầy đủ. Để học viên tiếp thu tốt các bài học, giáo viên phụ trách lớp luôn linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.

Lớp xóa mù chữ tại bản Lò Củ, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.

Trò chuyện với chị Lò Thị Kiệng, bản Pạ Lò, năm nay 48 tuổi, lần đầu tiên được đến lớp học chữ. Chị Kiệng kể: Trước đây, gia đình tôi nghèo khó, bố mẹ đông con, lại là con gái, mà trường học ở xa, tôi không thể đi học, nên không biết chữ. Vừa qua, được cán bộ chi hội phụ nữ bản động viên, tôi quyết tâm đi học để biết chữ. Những ngày đầu tham gia học chữ viết rất vất vả, nhưng tôi muốn biết đọc, biết viết, nên sẽ cố gắng học.

Còn chị Hoàng Thị Han, bản Lò Củ, nói: Tôi chưa một lần được đi học, có việc lên xã làm giấy tờ thì chỉ lăn tay điểm chỉ, đến giấy khai sinh cho mấy đứa con, vợ chồng tôi cũng phải nhờ người viết giúp. Khi được cán bộ, thầy cô đến nhà động viên đi học, chồng con ủng hộ ngay; được đi học, biết chữ, tự viết được tên mình, tôi vui lắm.

Được phân công trực tiếp giảng dạy, thầy giáo Mao Văn Thợ, Trường tiểu học và trung học cơ sở Cà Nàng, cho biết: Lớp học xóa mù chữ đang dạy các trình độ lớp 3, 4, 5 cho học viên từ 30 đến 59 tuổi; các học viên tham gia lớp học xóa mù chữ đều được hỗ trợ sách giáo khoa. Thời gian học từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần và có linh hoạt, những ngày nông nhàn dạy học vào các buổi chiều, còn vào mùa vụ thì chuyển sang buổi trưa hoặc tối. Tham gia lớp dạy học xóa mù chữ, bản thân tôi phải nghiên cứu, xây dựng phương pháp giảng dạy làm sao ngắn gọn, xúc tích nhất để học viên dễ nắm bắt. Những buổi đầu đến lớp, những bàn tay lâu nay chỉ quen với cầm cày, cầm cuốc, giờ nắn nót từng nét chữ, từng con số, cho thấy ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này. Giờ đây, các học viên đã nghe, đọc và viết thành thạo.

Giai đoạn 2015-2021, Hội Nông dân, Hội LHPN huyện Quỳnh Nhai phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mở 83 lớp xóa mù chữ, với 2.614 học viên tham gia. Thực hiện chương trình phối hợp triển khai công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho phụ nữ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội LHPN, Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai đã rà soát, xác minh danh sách phụ nữ, trẻ em gái đăng ký học lớp xóa mù chữ; điều tra đến tận hộ gia đình để đảm bảo số liệu chính xác người mù chữ, tái mù chữ, trên cơ sở đó có kế hoạch xóa mù chữ phù hợp ở từng xã. Chỉ đạo, đôn đốc Ban giám hiệu các trường tiểu học xây dựng kế hoạch mở lớp; hướng dẫn các trường tiểu học phân công cán bộ, giáo viên giảng dạy các lớp xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy; hỗ trợ học viên và những người tham gia dạy xóa mù chữ; cung cấp tài liệu, hướng dẫn chương trình xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ cho các đối tượng.

Bà Lương Thị Tám, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai còn 3.947 người từ 15-60 tuổi mù chữ. Năm học 2022-2023, Quỳnh Nhai mở 2 lớp xóa mù chữ tại xã Cà Nàng. Đảm bảo việc dạy học hiệu quả, sau mỗi khóa học, Phòng Giáo dục và Đào tạo đều kiểm tra việc giảng dạy của những đơn vị có lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau biết chữ; chỉ đạo ra đề kiểm tra học viên về kỹ năng đọc, viết, làm toán. Nếu đạt, học viên sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Với sự vào cuộc tích cực, đến nay, 11/11 xã của huyện đều đạt chuẩn giáo dục xóa mù chữ mức độ 2.

Thực tế cho thấy, công tác xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ ở địa phương gặp không ít khó khăn, như ở một số xã còn xảy ra tình trạng chị em tự ý bỏ học giữa chừng, chưa chủ động bố trí thời gian tham gia học; kinh phí thực hiện công tác xóa mù chữ còn thiếu... Huyện đang tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản liên quan đến công tác xóa mù chữ; tuyên truyền, vận động phụ nữ hoàn thành chương trình lớp xóa mù chữ, khảo sát lập danh sách phụ nữ đã xóa mù chữ tiếp tục tham gia các lớp giáo dục sau khi biết chữ do các trường tổ chức…

Công tác xóa mù chữ được triển khai hiệu quả, đã từng bước củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thúc đẩy phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Từ đó, thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng, góp phần xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tang-cuong-xoa-mu-chu-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-54344