Tăng cường quân sự tạo vòng cung Crimea-Kaliningrad: Nỗi đau phương Tây

Putin đã thành công trong việc đưa ván cờ Ukraine thành ván cờ tàn với phương Tây, trong đó sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga là nước cờ quyết định.

Reuters ngày 1/11 cho biết Nga đã cho tân trang những cơ sở quân sự cũ và xây dựng các cơ sở mới tại Crimea – một bán đảo có vị trí chiến lược tại vùng Biển Đen.

“Các boongke chứa tên lửa nằm dọc theo bờ biển phía nam Crimea được gọi là Object 100, tàn dư của Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ, đang được phục hồi và nơi đây trở thành vùng cấm của Bộ Quốc phòng Nga”.

Tuy nhiên, theo tờ báo Anh thì tân trang các lô cốt chỉ là một phần nhỏ của chương trình quân sự mới của Nga tại bán đảo Crimea.

Reuters cho biết Moscow đang xây dựng các căn cứ quân sự hiện đại đảm bảo cho việc đồn trú của quân đội Nga, phục vụ chiến lược của Moscow trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới Nga - phương Tây .

Tổng thống Putin ký quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga - đưa vấn đề Ukraine thành ván cờ tàn với phương Tây. Ảnh : Sputnik

Việc Moscow khai thác địa chính trị, địa chiến lược của Crimea phục vụ cho cuộc đối đầu với phương Tây chẳng khác nào sát muối vào vết thương chưa biết bao giờ mới lành của họ.

Putin dùng Crimea để biến Ukraine thành ván cờ tàn của phương Tây

Có thể thấy rằng việc Washington và đồng mình đứng về phía Kiev thời hậu Viktor Yanukovych chủ yếu là hướng tới tận dụng vị thế chiến lược của bán đảo Crimea. Bởi lẽ việc kết nạp Ukraine làm thành viên NATO là không dễ dàng, thậm chí lợi bất cập hại. Điều đó một phần vì nguy hại từ phía Nga, một phần vì thực lực của Kiev khiến NATO phải tốn kém rất lớn.

Nhận ra ý đồ đó của đối thủ, Moscow đã đi trước một bước. Tổng thống Putin có thể có sai lầm trong cách thức tiến hành sáp nhập Crimea vào nước Nga khiến phương Tây có cớ để áp lệnh cấm vận trừng phạt nước Nga, mà ai cũng biết là nhắm vào Putin và cộng sự của ông.

Song xét về lợi ích chiến lược của Crimea và được mất từ nước cờ này cho thấy việc không giữ được Crimea là thất bại lớn nhất của Mỹ và đồng minh trong ván cờ Ukraine. Và thất bại của phương Tây nặng nề hơn rất nhiều so với khó khăn của Putin. Bởi lẽ, qua thời gian Putin có thể tìm cách giúp nước Nga thoát cấm vận, song với phương Tây thì mất Crimea vĩnh viễn.

Nguyên nhân phương Tây thất bại trước Putin trong nước cờ Crimea chủ yếu là do bị việt vị trước những bước đi của Putin và do đặt niềm tin vào Kiev. Washington và đồng minh nhận diện không chuẩn xác về Putin ngay từ khi ông bước vào điện Kremlin, do vậy trong suốt quá trình đối phó với sức mạnh Nga được Putin hồi sinh, phương Tây đã nhiều lần rơi vào việt vị.

Đặc biệt trong ván cờ Ukraine, Mỹ và đồng minh đã nhận diện quá sai lầm về những quyết sách và hành động của Kremlin khiến họ phải trả giá. Sự cứng rắn của Moscow trong cuộc chiến chớp nhoáng với Gruzia năm 2008 là một bài học mà phương Tây không ghi nhớ, việc chào đón Abkhazia và Nam Ossetia là tiền lệ và phương Tây không thể quên được.

Khi Mỹ và đồng minh ủng hộ Kiev chống Nga thì với Moscow có khác nào giặc đã đến đầu ngõ, do vậy phản ứng của Kremlin được xem là tất yếu. Tuy nhiên, phương Tây lại nhận diện không thấu đáo trong tình huống này mà nguyên nhân được cho là Washington và đồng minh đánh đồng Boris Eltsin và Vladimir Putin trong phản ứng quốc tế đối với bất lợi của nước Nga.

Song đau hơn chính là Washington và đồng minh đã đánh giá quá cao vào chính quyền Kiev thời hậu Viktor Yanukovych. Có thể thấy “đội quân ô hợp” giữa những kẻ cướp quyền trên đường phố với những “chính trị gia salon” là sự thất vọng lớn nhất của phương Tây trong đối trọng với Moscow tại mặt trận này.

Mất Crimea là một thất bại quá lớn của phương Tây trước Nga, từ đó khiến cho vấn đề Ukraine trở thành ván cờ tàn đối với họ.

Washington và đồng minh chỉ còn dùng ván cờ này để hiệu chỉnh việc cấm vận Nga, chứ không còn khai thác được lợi ích mong muốn của mình.

Theo Reuters, trước khi sáp nhập Crimea, Moscow phải thuê quân cảng Sevastopol của Ukraine để Hạm đội Biển Đen đồn trú. Nay Crimea đã thuộc về Nga và nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen đã trở thành ao nhà của Nga.

Do vậy Moscow đã chủ động nâng cấp, mở rộng các căn cứ quân sự tại đây nhằm khai thác vị trí chiến lược của Crimea phục vụ cho việc bảo vệ nước Nga trước sự đe dọa của kẻ thù.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tang-cuong-quan-su-tao-vong-cung-crimea-kaliningrad-noi-dau-phuong-tay-3322832/