Tăng cường quản lý thuốc BVTV và phân bón

Việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón đang tồn tại nhiều lỗ hổng. Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp bàn giải pháp khắc phục thực trạng này.

Với danh mục hơn 4.000 sản phẩm thuốc BVTV được cấp phép sử dụng, cơ quan nhà nước rất khó quản lý

Cắt hơn 1.200 tên thương mại thuốc BVTV

Theo Cục BVTV, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam quá dài, gây khó khăn cho công tác quản lý và người sử dụng. Thực tế, trong số 4.068 tên thuốc thương phẩm trong danh mục, chỉ gần 2.000 tên thương phẩm lưu thông trên thị trường. Có nhiều hoạt chất ở dạng hỗn hợp, một số hoạt chất đã cũ có hiệu lực phòng trừ thấp và không hiệu quả.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là quy trình loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi danh mục chưa được quy định cụ thể trong Thông tư. Hiện danh mục thuốc BVTV quá nhiều, nhưng lại mất cân đối.

Cụ thể, các thuốc ủ chín trái cây, bảo quản rau, quả sau thu hoạch chưa có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Trong khi đó, các thuốc này đã được nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển cho phép sử dụng rộng rãi.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, cho rằng Cục BVTV cần sớm hoàn thiện danh mục thuốc bảo quản được phép sử dụng tại Việt Nam và trình Bộ NN-PTNT phê duyệt trong quý I/2016. Từ đó, nông dân lựa chọn sử dụng các loại thuốc bảo quản nông sản tốt. Tránh tình trạng các cơ quan truyền thông, báo chí phản ánh bà con sử dụng thuốc ngoài danh mục.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, mục tiêu của dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thuốc BVTV giai đoạn 2017 – 2021” là sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý thuốc BVTV. Rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam theo quy định; loại bỏ những thuốc BVTV có độ độc cao, hiệu lực sinh học thấp, bị sinh vật hại gây kháng thuốc, có quy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật có ích trong môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), cho biết: Về quản lý phân bón hữu cơ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thực ra thông tư 41/2014 chỉ là giải pháp tình thế để quản lý khi chúng ta chưa có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. Nhưng thông tư 41 cũng đã ra đời được 2 năm rồi. Đề nghị Cục Trồng trọt sớm hoàn thiện và trình Bộ phê duyệt để quản lý tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần giảm 30% lượng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học được sử dụng trên cây trồng ở Việt Nam. Tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được sử dụng...

Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT), để giảm được số lượng tên thương mại sản phẩm thuốc BVTV trong danh mục, cần kêu gọi các doanh nghiệp tình nguyện rút bớt ra khỏi danh mục.

Đồng thời, thành lập Hội đồng khoa học cấp Bộ để đánh giá và loại bỏ các loại thuốc BVTV có độ độc cao. Song song với đó, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép sản xuất và chứng nhận hợp quy thuốc BVTV sinh học, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

60% cơ sở sản xuất phân hữu cơ không phép

Cũng tại cuộc thảo luận, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, công tác quản lý chất lượng phân bón vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, không theo kịp sự phát triển của sản xuất.

Hiện có khoảng 230 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác. Tuy nhiên mới chỉ có 92 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ được cấp Giấy phép sản xuất. Như vậy, có tới 60% cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ chưa được cấp phép sản xuất.

Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Việt nhận xét: “Đây là lỗ hổng lớn, khiến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường. Cần phải chấn chỉnh ngay”.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, kể từ khi thực hiện Nghị định 202/2013/NĐCP, đã có khoảng 700 tên phân bón hữu cơ và phân bón khác được cấp phép sản xuất, nhưng chỉ có 269 tên phân bón được tiếp nhận công bố hợp quy và đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Câu hỏi được đặt ra là: Quy trình cấp chứng chỉ hợp quy phân bón hữu cơ rườm ra, phức tạp, hay doanh nghiệp cố tình lách luật?

Nhiều tên phân bón được phát triển ồ ạt, gây khó khăn cho nông dân trong quá trình lựa chọn. Công tác quản lý chất lượng phân bón mới tập trung chủ yếu vào việc cấp phép sản xuất, chứng chỉ hợp quy.

Trong khi đó, nhiều quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu hoặc đã lạc hậu gây khó khăn cho công tác quản lý theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Một số phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận trong quá trình hoạt động còn vi phạm.

Cục Trồng trọt đang dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phân bón hữu cơ và phân bón khác giai đoạn 2016 – 2021” để trình Bộ NN-PTNT phê duyệt. Theo đó, mục tiêu của đề án là quản lý hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hạn chế tên phân bón. Trên 90% cơ sở sản xuất đủ điều kiện và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Tăng lượng phân bón hữu cơ lên 3 triệu tấn/năm.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tang-cuong-quan-ly-thuoc-bvtv-va-phan-bon-post176951.html