Tăng cường quản lý thức ăn đường phố

Mỗi năm, trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm với hàng nghìn người mắc, không ít trường hợp tử vong. Con số đáng báo động này khiến người dân luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu trước mỗi bữa ăn hàng ngày.

Đặc biệt, thức ăn đường phố, hàng ăn rong tràn ngập khắp các ngõ ngách, phố phường, ngay cả xung quanh cổng trường học nhưng khâu kiểm soát nguồn gốc, vệ sinh thực phẩm lại vô cùng khó khăn, bất cập.

Những con số đau lòng

Vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Băng (TP Long Khánh, Đồng Nai) khiến 568 người nhập viện, trong đó nhiều ca bệnh có tiên lượng rất nặng là trẻ em. Chính quyền địa phương đã chuyển hồ sơ vụ ngộ độc này sang cơ quan công an điều tra.

Thông tin từ ngành chức năng, tiệm bánh mì Băng là diện bán hàng nhỏ lẻ không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP). Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua bán. Theo ngành chức năng, đây là vụ ngộ độc tập thể liên quan đến thức ăn đường phố có số người mắc lớn nhất từ trước đến nay.

Kiểm tra hàng quán quanh cổng trường học trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thanh Bình

Trước đó, như Kinh tế & Đô thị đã thông tin, trên địa bàn TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 15 học sinh từ 7 - 11 tuổi đang học tại 4 trường tiểu học nhập viện nghi do ngộ độc. Các học sinh này đều mua cơm cuộn trước cổng trường học ăn. Hay tại Nha Trang, trong 2 tháng qua cũng xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể liên quan đến thức ăn đường phố như cơm gà, sushi khiến hàng trăm người nhập viện.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2024, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, với 267 người bị ngộ độc. Tính chung 4 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong.

Riêng thời điểm từ tháng 3 đến nay, nhiều vụ ngộ độc liên quan đến học sinh sử dụng thực phẩm bán bên ngoài trường học, các quán ăn đường phố, hàng ăn rong… Cũng theo Bộ Y tế, trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc làm trên 2.100 người mắc, 28 người tử vong, số người mắc tăng so với năm trước đó.

ATTP luôn là vấn đề rất “nóng” và phức tạp. Thêm vào đó, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng có liên quan nhằm ngăn ngừa, xử lý.

Do vậy, để triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024 đạt hiệu quả, UBND TP đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm thực chất; đặc biệt, tập trung kiểm tra các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm.

Khi phát hiện các trường hợp vi phạm phải xử lý triệt để theo đúng quy định. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về ATTP, đề xuất nhân rộng các hoạt động đã triển khai và được đánh giá có hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà

Có thể thấy, số vụ ngộ độc ngày càng gia tăng, cùng với số ca tử vong ngày càng nhiều, trong đó, không ít những trẻ em bị cướp đi sinh mạng là nỗi đau không của riêng ai. Sự lo lắng này ngày càng ám ảnh và lan tỏa trong cộng đồng. Điều này báo động đến an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phối hợp quản lý từ nhiều phía

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, tại Hà Nội cũng như các địa phương khác, thức ăn đường phố có mặt ở khắp nơi. Từ vỉa hè đến các cổng trường học, công viên, khu du lịch, người dân chỉ cần bước ra đường là có thể mua được đồ ăn.

Thức ăn đường phố tiện dụng, nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với sức khỏe con người. Khâu vệ sinh, nhìn bằng mắt thường có thể nhận thấy không bảo đảm, người bán dùng tay trần bốc thức ăn chín, bát đũa không được rửa sạch sẽ, thức ăn phơi trần bên vệ đường không tủ kính che đậy, thực phẩm sống, chín để lẫn lộn, nguồn nguyên liệu chế biến gần như nằm ngoài vùng kiểm soát của cơ quan chức năng.

Từ vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì ở Đồng Nai cho thấy, nguy cơ ngộ độc của thức ăn đường phố hoàn toàn có thể xảy ra và với quy mô, mức độ thiệt hại vô cùng lớn với hàng trăm ca mắc, hàng chục bệnh nhân nặng. Nhiều vụ ngộ độc xảy ra do ăn thức ăn đường phố nhưng không truy tìm được nguyên nhân bởi các cơ sở không lưu mẫu, không tuân thủ quy định, nhất là đối với hàng ăn rong.

Hiện nay, các đoàn liên ngành vẫn kiểm tra một số điểm bán thức ăn đường phố có địa chỉ cố định. Còn đối với hàng ăn rong, rất khó kiểm soát, quy định về thức ăn đường phố chưa chặt chẽ nên thiếu hành lang pháp lý để kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là khó truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Theo quy định tại Luật ATTP, thức ăn đường phố là đối tượng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Lực lượng kiểm soát hàng ăn rong chủ yếu là trật tự đô thị, cảnh sát khu vực ở phường, xã, quận, huyện... Tuy nhiên, việc kiểm soát, quản lý thức ăn đường phố ở Việt Nam là điều không dễ.

Ngay cả những cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP thì cũng không thể khẳng định thực phẩm được kinh doanh, sản xuất tại đây có bảo đảm hay không. Bởi vậy, khâu hậu kiểm và thanh tra đóng vai trò rất quan trọng.

Tại Hà Nội, theo thống kê, hiện TP có gần 77.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, trong đó khoảng 10.000 cơ sở thức ăn đường phố. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, công tác ATTP được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm.

Các sở, ngành, cơ quan liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý về ATTP. Đồng thời, cơ quan chức năng của TP đã duy trì phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, các cơ sở vẫn tồn tại một số vi phạm như: nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo quản chưa đúng quy định, khu vực bếp có côn trùng, ghi nhãn sản phẩm không đúng, sử dụng người lao động trực tiếp kinh doanh, tiếp xúc với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP…

Để tăng cường quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Quy hoạch, nhân rộng thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tuyến phố văn minh, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở không bảo đảm ATTP.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn kiến thức về ATTP tới các nhóm đối tượng đích, gồm: người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Ngoài ra, tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng, phổ biến và hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến, kinh doanh và bảo quản thực phẩm.

Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn các văn bản quy định hiện hành về ATTP cho Ban Chỉ đạo công tác ATTP và cán bộ mạng lưới ATTP tại các địa bàn.

Theo các chuyên gia, để làm tốt công tác ATTP nói chung và lĩnh vực thức ăn đường phố nói riêng cần phải có sự quan tâm phối hợp từ nhiều phía: người quản lý, người kinh doanh và cả người tiêu dùng.

Phía cơ quan quản lý, rà soát lại những tiêu chí, quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn lĩnh vực ATTP, đề xuất sửa đổi. Khâu thanh tra, kiểm tra phải làm nghiêm túc và quyết liệt hơn, mạnh tay xử lý, công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nắm được.

Đây cũng là một hình thức cảnh báo đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để họ tuân thủ quy định của pháp luật. Nhà nước cũng cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực ATTP cả về con người cũng như vật chất.

Nhật Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-quan-ly-thuc-an-duong-pho.html