Tăng cường phòng, chống lao trong cộng đồng

Những năm qua, công tác phòng, chống lao trong cộng đồng tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Chương trình chống lao Quốc gia… Mạng lưới phòng, chống lao trên địa bàn thường xuyên được củng cố, kiện toàn, bao phủ từ tuyến tỉnh đến 100% các khu dân cư trong tỉnh và được duy trì hoạt động thường xuyên, qua đó phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh lao để kịp thời điều trị với trên 90% bệnh nhân lao khỏi bệnh.

Chia sẻ kiến thức phòng, chống lao cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Sàng lọc sớm, phát hiện sớm

Phú Thọ là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trình độ nhận thức của bà con về công tác phòng, chống bệnh lao một số nơi còn hạn chế. Qua công tác khám sàng lọc hàng năm đã phát hiện những ca bệnh mới; nhiều trường hợp bệnh nặng bệnh nhân mới đến bệnh viện để điều trị, có trường hợp điều trị giai đoạn đầu thấy các triệu chứng giảm, bệnh nhân tự ý bỏ thuốc, không tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Bác sĩ Trình Văn Đạm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa cho biết: Lao là bệnh xã hội có thể lây lan nhanh ra cộng đồng qua đường hô hấp, thời gian điều trị lâu dài, tốn kém chi phí. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng, hàng năm, Trạm đã tập trung tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp khu về biện pháp phòng, chống bệnh lao cho bà con nhân dân nhằm phát hiện người nhiễm lao mới. Những đối tượng nghi ngờ lao, mắc các bệnh mãn tính, gầy yếu, suy nhược hoặc những người có nguy cơ cao mắc lao được các nhân viên y tế, cộng tác viên y tế của Trạm tuyên truyền, vận động đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh, kịp thời đến các cơ sở y tế xét nghiệm, điều trị. Năm 2022, qua sàng lọc, Trạm đã phát hiện ba bệnh nhân mắc lao, đồng thời thường xuyên thăm hỏi, động viên các bệnh nhân mắc bệnh không mặc cảm, tự ti, kiên trì chữa bệnh dứt điểm.

Khi có những triệu chứng ho, khó thở, ông Lê Văn Lợi, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ đã chủ động đi khám, xét nghiệm và phát hiện ra bị mắc lao. Hiện nay ông đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Phú Thọ được hơn một tuần. Ông Lợi chia sẻ: Do được phát hiện sớm, lại được các bác sĩ Bệnh viện Phổi Phú Thọ điều trị tận tình nên triệu chứng đã thuyên giảm.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khang - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Phú Thọ cho biết: Nhằm tăng cường sự nhận biết của người dân và các nhóm nguy cơ cao về bệnh lao, lao kháng thuốc, bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản, đồng thời tăng cường khám phát hiện, chẩn đoán, thu nhận điều trị các trường hợp mắc lao, lao kháng thuốc, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, củng cố, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác khám phát hiện, điều trị các bệnh hô hấp khác, Bệnh viện đã phối hợp với các Trung tâm Y tế (TTYT) tổ chức sàng lọc tại cộng đồng từ bốn đến năm xã/huyện. Các hoạt động trong buổi sàng lọc gồm phỏng vấn người có các dấu hiệu nghi lao, chụp Xquang phổi, xét nghiệm đờm tìm AFB, những trường hợp có FB (+) được xét nghiệm GenXpert để chẩn đoán lao kháng thuốc. Riêng bốn đơn vị được hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu môi trường & sức khỏe (CEHS) là TP Việt Trì, các huyện Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa thực hiện “Chiến lược sàng lọc 2X tại cộng đồng”. Những trường hợp ho khạc được đờm sẽ làm xét nghiệm GenXpert để chẩn đoán lao và lao kháng thuốc ngay. Ngoài ra, Bệnh viện đã phối hợp với TTYT huyện Cẩm Khê, TP Việt Trì tổ chức lồng ghép sàng lọc lao cho công nhân trong các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho công nhân được tiếp cận dễ dàng với dịch vụ sàng lọc lao sớm.

Bệnh viện Phổi Phú Thọ khám, điều trị cho các bệnh nhân.

Chiến thắng bệnh lao

Công tác phòng, chống lao không là việc riêng của các cấp, các ngành mà cần huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng. Thông qua công tác tuyên truyền, khám sàng lọc tại cộng đồng, người dân đã có ý thức phòng, chống bệnh lao. Năm 2022, Bệnh viện Phổi đã khám cho gần 30.000 lượt bệnh nhân, trong đó có trên 13.000 lượt bệnh nhân được xét nghiệm đờm, 99% người bệnh lao phổi AFB (+) phát hiện được thu nhận điều trị. Toàn tỉnh thu nhận được 572/650 bệnh nhân lao các loại, trong đó lao phổi có bằng chứng VKH mới là 346/326 trường hợp. Hiện tỉ lệ điều trị khỏi đối với lao phổi có bằng chứng vi khuẩn mới đạt 95,3%.

Bác sĩ Lê Hữu Kiên - Trưởng khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện Phổi Phú Thọ chia sẻ: Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, đã có nhiều thiết bị y tế cận lâm sàng hỗ trợ việc chẩn đoán sớm bệnh lao, kể cả lao đa kháng đang được ứng dụng phục vụ việc điều trị. Tuy nhiên, để chiến thắng bệnh lao cần được phát hiện sớm trong cộng đồng, trong đó công tác truyền thông rất quan trọng và phải đi trước một bước.

Bệnh viện Phổi Phú Thọ đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn bằng nhiều hình thức, trong đó phối hợp với CEHS tổ chức 20 buổi truyền thông trực tiếp, tuyên truyền về mục đích, nội dung của kế hoạch khám sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động và tình hình bệnh lao tại địa phương; cung cấp một số kiến thức cơ bản về bệnh lao, các biện pháp phòng, chống lao tại cộng đồng; biên soạn, in tờ rơi, áp phích nội dung phổ biến kiến thức, tuyên truyền phòng, chống bệnh lao cấp cho các TTYT và phát cho người dân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế; thành lập tổ chăm sóc khách hàng giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh đến khám, điều trị lao tại các cơ sở y tế…

Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Phú Thọ đã cử nhiều lượt cán bộ đi tập huấn tại các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương, đồng thời cử cán bộ tham gia học tập tại các lớp tập huấn do cán bộ tuyến Trung ương về giảng dạy, hướng dẫn; 100% cán bộ Tổ chống lao các TTYT, cán bộ Bệnh viện Phổi tham gia tập huấn về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị lao…

Năm 2023, chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao của Việt Nam là: “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”. Đây là chủ đề mang đến niềm hy vọng, niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể, đồng thời nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.

Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của gần 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao. Để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống lao Quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt, theo Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khang - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Phú Thọ, công tác phòng, chống lao không là việc riêng của các cấp, các ngành mà cần huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác phòng, chống bệnh lao; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ phòng, chống lao các tuyến; tăng cường công tác sàng lọc, phát hiện bệnh nhân mới, bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân lao/HIV; sử dụng hiệu quả hệ thống xe Xquang kỹ thuật số lưu động, triển khai thực hiện “Chiến lược 2X” trong phát hiện sớm bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng; hỗ trợ cho người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với các dịch vụ điều trị… Đồng thời tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các dự án, chương trình đầu tư các trang thiết bị phòng, chống lao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tỉnh được tiếp cận nhiều dịch vụ, kỹ thuật mới, hiện đại và môi trường chăm sóc y tế tốt hơn.

Ngọc Tuấn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/tang-cuong-phong-chong-lao-trong-cong-dong/191886.htm