Tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người

Sáng 27/3, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Các đồng chí: Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang.

Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT.

3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 16/63 tỉnh, TP ghi nhận ca bệnh dại trên người, trong đó có 27 ca tử vong, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023. Các tỉnh miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến với 9 ca tử vong (cao nhất cả nước); khu vực Tây Nguyên và miền Nam cũng đang gia tăng số ca bệnh. Về công tác tiêm phòng dại, từ đầu năm đến nay, cả nước có 143 nghìn người đi tiêm, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Đối với bệnh cúm gia cầm (CGC) H5N1, hiện cả nước có 6 ổ dịch tại các tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Đặc biệt, sau 10 năm không ghi nhận ca tử vong nào do cúm H5N1, đến tháng 3/2024, tại tỉnh Khánh Hòa có một trường hợp tử vong. Các loại CGC khác như: H7N9, H5N6, H5N8 và H9N2 chưa ghi nhận trường hợp nào lây sang người.

Tại tỉnh Bắc Giang, dù chưa ghi nhận ca bệnh dại trên người song 3 tháng đầu năm 2024 có 777 người phải điều trị dự phòng bệnh dại động vật do bị chó, mèo cắn. Đối với bệnh CGC H5N1, toàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh nào.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, 100% số ca bệnh dại tử vong do không đi tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Nguyên nhân là do người bị chó, mèo cắn chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn chó bình thường; một số trường hợp sử dụng thuốc nam để điều trị, trẻ nhỏ bị chó cắn không thông báo với gia đình… Cùng đó, do giá vắc-xin phòng dại cao (từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/liệu trình) nên một số người không có điều kiện tiêm phòng.

Đối với dịch CGC, đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, do tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ trong khi các chủng vi rút CGC xuất hiện ở nhiều địa phương, thời tiết diễn biến cực đoan nên nguy cơ dịch lây lan trên phạm vi rộng rất cao.

Để phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, một số ý kiến đề nghị Bộ Y tế cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc-xin và vật tư tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để các địa phương triển khai, tránh bị gián đoạn, gây nguy cơ bùng phát dịch. Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ các địa phương trong phòng, chống bệnh dại, CGC, nhất là việc duy trì, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh...

Có ý kiến đề xuất, trước mắt, các địa phương cần khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc - xin phòng bệnh CGC, dại; quan tâm hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; tăng cường giám sát, phát hiện dịch bệnh CGC, dại để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, các đồng chí: Nguyễn Thị Liên Hương, Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Cơ quan chuyên môn các địa phương tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Các đồng chí yêu cầu, cơ quan chuyên môn Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp rà soát lại cơ chế chính sách, tham mưu bổ sung, điều chỉnh các quy định, bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. UBND các tỉnh, TP chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống, nhất là tại khu vực miền núi. Bổ sung thêm các điểm tiêm phòng tại những địa bàn rộng, xa trung tâm; thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện về phòng, chống dịch. Trước mắt, cơ quan chuyên môn các địa phương cần sớm tham mưu UBND các tỉnh, TP có kế hoạch bố trí kinh phí mua vắc-xin phòng dại, CGC, hỗ trợ tiêm miễn phí đối tượng hộ nghèo, người dân sống tại vùng đặc biệt khó khăn.

Sau hội nghị trực tuyến, đồng chí Mai Sơn đề nghị Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp thu ý kiến chỉ đạo, tập trung cao cho công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Phối hợp rà soát lại những văn bản, quy định của tỉnh, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, bổ sung những nội dung nào chưa triển khai theo quy định.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu chỉ đạo sau hội nghị trực tuyến.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và PTNT sớm thành lập các đoàn kiểm tra công tác tiêm phòng, quản lý đàn vật nuôi tại các địa phương; kịp thời tham mưu UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng các đơn vị, địa phương làm tốt, phê bình những nơi yếu kém, thiếu quyết liệt. Đối với công tác phòng dại, đồng chí đề nghị cơ quan chuyên môn, các địa phương có chế độ phù hợp cho cán bộ làm công tác tiêm phòng, bố trí đủ vắc-xin, bảo đảm 100% vật nuôi được tiêm phòng dại.

Sở Y tế phối hợp với Báo Bắc Giang, Đài PT-TH tỉnh tuyên truyền thường xuyên tính chất, mức độ nguy hại của các dịch bệnh, tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, giá tiêm vắc-xin cũng như những rủi ro có thể gặp phải để người dân nắm, chủ động phòng ngừa. Cùng đó có thông điệp để truyền thông về tác dụng và độ an toàn của vắc xin; cảnh báo người dân cẩn trọng khi tiếp xúc với vật nuôi...

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tang-cuong-phoi-hop-lien-nganh-trong-phong-chong-cac-benh-lay-truyen-tu-dong-vat-sang-nguoi-100542.bbg