Tăng cường năng lực nội sinh của doanh nghiệp để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Tăng cường năng lực nội sinh hướng tới phát triển bền vững, đồng thời tận dụng các hỗ trợ từ quốc tế chính là các yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổng kết dự án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tính đến năm 2022, quy mô GDP của Việt Nam đã đạt gần 410 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 trong ASEAN và đứng thứ 40 của thế giới, quy mô xuất nhập khẩu nằm trong top 20 nước đứng đầu thế giới...

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, phát biểu tại sự kiện

Mặc dù đạt được kết quả như vậy nhưng các DN Việt Nam, với 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế, trình độ công nghệ còn lạc hậu, khả năng thích ứng với những biến đổi của thị trường trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, nên đến nay các DNNVV của Việt Nam vẫn chưa thực sự tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh, phát triển các DNNVV nói chung và DNNVV trong ngành công nghiệp phụ trợ được xem là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững và hướng tới một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Theo Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Yuichi Sugano, mặc dù kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng nhưng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn thấp trong ASEAN nên giá trị gia tăng mà các DNVVN Việt Nam hưởng lợi là ít. Từ tháng 10/2020, JICA hỗ trợ thúc đẩy DNVVN Việt Nam kết nối tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sau hơn 3 năm triển khai, mặc dù gặp khó khăn trong giai đoạn đầu vì dịch Covid-19 nhưng dự án đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, hơn 1.100 các học viên đã tham gia chương trình đào tạo cho tư vấn viên về lĩnh vực khởi nghiệp, kinh doanh mới… Dự án cũng hỗ trợ đào tạo nâng cấp kỹ thuật tại chỗ cho 35 DNNVV trong lĩnh vực chế biến, chế tạo trong cả nước. Đã có 12 DN thông qua hỗ trợ từ dự án đã ký được các hợp đồng, với tổng giá trị 50 tỷ đồng với các nhà mua hàng nước ngoài.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Đăng Phong - Tổng giám đốc Công ty cơ khí Đăng Phong (Đắk Lắk) chia sẻ, triển khai dự án hỗ trợ, phòng kỹ thuật và phân xưởng thiết kế và gia công khuôn mẫu của công ty thay đổi được cả 5 yếu tố: năng suất, chất lượng, chi phí, giao hàng và môi trường làm việc. Giai đoạn cuối của dự án, cả 17 phân xưởng của công ty đã cùng đồng lòng chấp nhận thay đổi và cải tiến mạnh mẽ hơn, chủ động hơn trong tư duy làm việc.

Còn theo chuyên gia tư vấn dự án Đào Hải, là một tư vấn viên cũng đồng thời là chủ một doanh nghiệp, khi áp dụng tư vấn của chương trình vào DN, tính đến hết tháng 11/2023, doanh thu DN của ông đã tăng lên 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Cần tăng cường năng lực nội sinh

Chia sẻ tại phiên thảo luận của sự kiện, bà Trương Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, vấn đề mà DNNVV trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang gặp phải là về chi phí và về sản phẩm. Sản phẩm của các DN thường là sản phẩm rời rạc, trong khi khách hàng luôn yêu cầu sản phẩm đầy đủ.

“Chất lượng có thể đảm bảo nhưng giá thành và đáp ứng yêu cầu của khách hàng hiện các DN Việt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của toàn cầu” - bà Bình nhận định. Đồng thời, bà Bình khẳng định, việc tăng cường năng lực nội sinh hướng tới phát triển bền vững là yếu tố quan trọng để các DNNVV Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các doanh nghiệp chia sẻ tại phiên thảo luận

Theo ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi, để tham gia được vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đầu tiên DN cần tập trung vào nội lực và cái chính là tư duy của người lãnh đạo cần năng động, sẵn sàng thay đổi. Đồng thời, việc tạo văn hóa học tập suốt đời sẽ tạo năng lực và động lực cho DN phát triển.

Chia sẻ kinh nghiệm chinh phục các thị trường khó tính, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CNC Tech Thăng Long, cho biết nếu chỉ tập trung vào 1 đối tượng khách hàng thì sẽ khiến DN gặp nhiều rủi ro. Mở rộng năng lực cung cấp và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cần tư duy đột phá.

Theo ông, DN nên tiếp cận với quy mô lớn trước, vì với quy mô lớn thì bài toàn phân tích đầu tư, chiến lược mới dài hạn… luôn luôn dám dấn thân và tận dụng mọi cơ hội tối đa, nỗ lực cùng khách hàng, không được đơn hàng thì vẫn được học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, theo ông Hùng, để DN giai đoạn tới phát triển cần xây dựng được “nhân hiệu” cá nhân từ người lao động tới lãnh đạo DN; sau đó cùng đồng lòng xây dựng thương hiệu DN, hướng tới thương hiệu quốc gia.

Từ góc độ một nhà mua hàng đang mở rộng các nhà cung cấp tại Việt Nam, ông Takei Daisuke - Giám đốc Công ty Caddi Việt Nam, cho rằng cam kết của lãnh đạo DN là yếu tố kiên quyết. Cần có tư vấn trung gian cung cấp thông tin về các yêu cầu của nhà cung cấp thì DN mới có thể triển khai với tốc độ nhanh hơn họ tự làm. Đối với khách hàng, điều quan trọng nhất là sản phẩm có chất lượng tốt, được cung cấp nhanh và đúng thời hạn. Một điểm nữa là công nghệ, khi áp dụng được chuyển đổi số có thể triển khai hoạt động sản xuất với tốc độ nhanh hơn và có thể thu nhập được nhiều thông tin khách hàng với công cụ này.

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho biết trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV; triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ đào tạo cho DN, hỗ trợ DN chuyển đổi số. Đồng thời, bộ cũng huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế như JICA, UNDP, USAID… để hỗ trợ, chuyển giao các kiến thức, mô hình kinh doanh cũng như nâng cao năng lực để DN có thể phát triển theo chiều sâu và có thể kết nối tốt hơn trong chuỗi giá trị với các DN FDI trong nước cũng như các DN toàn cầu.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-cuong-nang-luc-noi-sinh-cua-doanh-nghiep-de-tham-gia-sau-hon-vao-chuoi-gia-tri-toan-cau-141372.html