Tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực nhà đất

Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đặng Minh Đạt, nhờ tăng cường KTGS, tình hình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn thành phố đã giảm từ 4.410 vụ (năm 2013) xuống còn 2.906 vụ (năm 2016). Thông qua KTGS và xử lý sai phạm ngay trong đội ngũ cán bộ quản lý, thời gian qua lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố phát hiện, thi hành kỷ luật 117 cán bộ, công chức, thanh tra xây dựng có vi phạm trong quản lý, buông lỏng, làm ngơ cho các hành vi vi phạm.

Từ năm 2013 đến nay, các quận ủy, huyện ủy ở thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra 22 tổ chức đảng, 42 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với bốn tổ chức đảng, 12 đảng viên; chỉ đạo UBKT quận ủy, huyện ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 17 tổ chức đảng, 38 đảng viên, giám sát sáu tổ chức đảng, chín đảng viên… qua đó, đã thi hành kỷ luật hai tổ chức đảng và 38 đảng viên.

Dù vậy, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đáng lưu ý là tình trạng thiếu những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hoặc có nhưng thiếu KTGS việc thực hiện; thiếu sơ kết, tổng kết, đánh giá đúng thực trạng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và xử lý sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

Đại diện Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho biết, sai phạm phổ biến trong QLNN về đất đai, trật tự xây dựng ở hầu hết các quận, huyện là vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, chậm triển khai dự án; buông lỏng quản lý để người dân lấn chiếm đất công, chuyển nhượng trái phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng, sai quy trình,… Đơn cử, sai phạm trong thực hiện Quyết định 33/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 15-10-2014 “Quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa” tại Hóc Môn được nhận định là nghiêm trọng, để lại hậu quả khó khắc phục và ảnh hưởng lớn đến quy hoạch, sử dụng đất, gây bức xúc trong nhân dân. Thanh tra thành phố cũng kết luận không có cơ sở để UBND quận Tân Phú cấp “sổ hồng” cho các đối tượng chiếm khu đất số 83/26 đường Lê Sao, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú của bà Nguyễn Thị Yến. Điều này diễn ra với sự tiếp tay của cán bộ địa chính và lãnh đạo UBND phường này (thời điểm năm 2000). Dù UBND quận Tân Phú đã “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm”, đã thu hồi “sổ hồng” cấp sai nhưng việc khắc phục hậu quả vẫn nhùng nhằng do UBND quận không thu hồi các giấy phép xây dựng trái pháp luật và tháo dỡ công trình xây dựng trái pháp luật, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, tố cáo đúng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Đỗ Phi Hùng cho rằng, phải tăng cường công tác quản lý, phát hiện, xử lý sớm ngay tại địa bàn, không để xảy ra rồi mới xử phạt. Thực hiện nghiêm Quyết định 27/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 4-8-2014 “Quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân mà còn làm hạn chế tình trạng xây dựng không phép. Cần nâng cao trách nhiệm ở từng cấp và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng tại cơ sở, tăng cường KTGS và xử lý sai phạm ngay trong đội ngũ cán bộ quản lý…

Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, KTGS của cấp ủy đảng ở lĩnh vực QLNN về đất đai, trật tự xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng, từng cấp ủy phải đề ra được nghị quyết, chương trình cụ thể và lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, tăng cường KTGS, vì đây là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, nếu làm chậm, làm sai, quản lý yếu kém, vận hành không đồng bộ, mỗi nơi làm mỗi cách khác nhau sẽ gây hậu quả, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác. Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố phải phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Thành ủy về nội dung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức KTGS của cấp ủy đối với các lĩnh vực trên. Chú ý tập trung công tác tổ chức bộ máy, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công tác ở các lĩnh vực QLNN về đất đai, xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng và cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực này. Đối với các quận, huyện có nhiều dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phải thành lập ban chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư do cấp ủy, thường trực cấp ủy đứng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn, làm cho nhân dân hài lòng hơn…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/32598002-tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-linh-vuc-nha-dat.html