Tăng cường kiểm soát thị trường dịp cuối năm

Trong 10 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 3.981 trường hợp, phát hiện đến 3.576 vụ vi phạm (tăng 87,91% số vụ vi phạm so với cùng kỳ năm trước).

Tổng số tiền thu nộp ngân sách đối với các hành vi vi phạm hơn 73,6 tỷ đồng (tăng 89,55% so với cùng kỳ năm trước). Trị giá hàng hóa buộc phải tiêu hủy hơn 54,3 tỷ đồng và trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 111 tỷ đồng.

Những ngày gần đây, lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mới đây, ngày 13/10, Đội QLTT số 3 kiểm tra điểm kinh doanh trên đường Hoàng Sa, phường 11, quận 3, phát hiện đang kinh doanh 3.936 hộp tân dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngày 11/10, Đội QLTT số 12 kiểm tra hộ kinh doanh C.N, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, phát hiện 4.738 đơn vị sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc.

Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều mặt hàng vi phạm dịp cuối năm.

Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội 6 – Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh khám đồ vật trước địa chỉ số 289/9 đường Vĩnh Viễn, phường 5, quận 10, đã lập biên bản tạm giữ 5 điện thoại iPhone 15 không có hóa đơn, chứng từ và 107 phụ kiện điện thoại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Apple. Đội QLTT số 18 phối hợp Công an huyện Hóc Môn kiểm tra địa điểm chứa trữ, kinh doanh trên đường Nguyễn Thị Thử, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn phát hiện đang kinh doanh 1.080 chai dầu gội do Thái Lan sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ với tổng trị giá lô hàng trên 300 triệu đồng.

Đặc biệt, cơ quan QLTT cũng chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để làm rõ Công ty R.D.S, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân đang kinh doanh 10.506 đơn vị sản phẩm phụ tùng máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Bosch...

Trong số vụ vi phạm mà các Đội QLTT TP Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý, nhiều nhất là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Chỉ riêng trong tháng 10/2023 QLTT kiểm tra, phát hiện 166 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 154 vụ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Các mặt hàng này bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ chủ yếu tại các kho hàng, hoặc đưa vào bán tại các cửa hàng, shop thời trang, và bán ở cả các trung tâm thương mại cao cấp. Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc chủ yếu là quần áo, mắt kính, túi xách, giày dép, đồng hồ, nước hoa... giả các nhãn hiệu thời trang cao cấp Louis Vuitton, Chanel, Nike, Gucci, Dior, Rolex, Versace...

Đáng chú ý, khi đưa vào bán tại các trung tâm thương mại, các loại hàng giả này giống đến hơn 90% so với hàng thật. Đối với hàng nhập lậu, cơ quan QLTT kiểm tra phát hiện 106 vụ vi phạm, chủ yếu bán tại các cửa hàng, các doanh nghiệp, đặc biệt được người tiêu dùng (NTD) tìm mua nhiều do tâm lý “hàng hiệu, giá rẻ”. Sản phẩm nhập lậu khi bán tới tay NTD thường rẻ hơn hàng chính hãng 20 - 30% do không phải tính thuế. Tuy nhiên, hàng nhập lậu tiềm ẩn nguy cơ cao, nhất là các loại thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng, do chất lượng không được kiểm soát.

Riêng lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), các trang mạng xã hội, sàn TMĐT… hàng hóa kinh doanh trên nền tảng này cũng rất phức tạp. Thực tế nhiều trường hợp tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Còn việc giao nhận hàng hóa thông qua dịch vụ giao nhận, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và cơ quan kiểm tra rất khó phát hiện.

Ông Phạm Xuân Việt, Trưởng phòng nghiệp vụ Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết: Nghị định 52 quy định, phía sàn TMĐT phải tự rà soát, tự thống kê, tự có phân loại và tự có cơ chế ngăn chặn dấu hiệu hàng hóa vi phạm. Song song đó, có cơ chế phối hợp khi cơ quan chức năng có đề nghị cung cấp thông tin những đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên sàn, để từ đó cơ quan chức năng thẩm tra xác minh đối tượng đó và nơi chứa trữ hàng hóa (nếu có) để xử lý. Tuy nhiên, khi có phản ánh của NTD, cơ quan QLTT liên hệ đề nghị các sàn TMĐT cung cấp thông tin, nhưng họ cung cấp thông tin rất sơ sài, rất khó để xác minh. “Vì vậy, cơ quan chức năng rất cần sự phối hợp của các sàn TMĐT để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, để bảo vệ NTD và DN chân chính”, ông Việt nói.

Theo đánh giá của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu giảm. Đặc biệt, nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và được bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm, trung tâm thương mại trong các tháng cuối năm sẽ hoạt động sôi nổi, mạnh hơn. Vì vậy, các Đội QLTT đang tập trung kiểm tra, kiểm soát, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng tại các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và tại các kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động TMĐT.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tang-cuong-kiem-soat-thi-truong-dip-cuoi-nam-i711698/