Tăng cường kết nối cung - cầu lao động

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các giải pháp kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực. Dự báo, nhu cầu lao động cuối năm 2023 có xu hướng giảm do nhiều tác động nên ngành chức năng đang nghiên cứu các giải pháp để ổn định thị trường lao động cuối năm.

Tích cực kết nối việc làm

Tham gia phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức mới đây tại huyện Diên Khánh, chị Lê Thị Huyền (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) đã được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm). Chị Huyền chia sẻ: “Trước đây, tôi làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, vì hoàn cảnh gia đình nên về quê. Nhiều lần tôi đi tìm việc nhưng chưa được tiếp nhận. Nhờ tham gia phiên giao dịch việc làm, tôi đã được tuyển dụng. Trong môi trường làm việc mới, tôi sẽ cố gắng để bắt kịp công việc và mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.

Theo bà Nguyễn Đình Hồng Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã chủ động liên kết với các địa phương mở được 10 phiên giao dịch việc làm đến tận các xã, phường, thị trấn với sự tham gia của gần 500 lượt doanh nghiệp. Các phiên giao dịch đã kết nối trực tiếp hơn 3.000 người lao động (NLĐ) với nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức 55 phiên giao dịch việc làm trực tuyến vào các ngày thứ Ba và thứ Năm hàng tuần tại đơn vị. Ở các phiên giao dịch trực tuyến, NLĐ được gặp nhà tuyển dụng và phỏng vấn qua ứng dụng Zoom Cloud Meetings. Ngoài ra, đơn vị còn kết nối tổ chức được 5 phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vào ngày cuối tháng qua ứng dụng Skype. Thông qua các loại hình phiên giao dịch việc làm đã góp phần kết nối việc làm thành công cho hơn 500 NLĐ địa phương, giúp doanh nghiệp tuyển được lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn tăng cường hoạt động tư vấn việc làm cho 16.906 lượt NLĐ; tư vấn học nghề - định hướng nghề nghiệp cho 11.973 lượt học sinh, sinh viên và NLĐ; giới thiệu việc làm cho hơn 16.000 NLĐ, trong đó có hơn 10.000 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ hoạt động này đã giúp kết nối việc làm cho hơn 3.000 NLĐ, trong đó có gần 700 NLĐ đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp đi làm trở lại.

Người lao động tham gia tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ở huyện Diên Khánh.

Công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được xem là kênh giải quyết việc làm rất hiệu quả. Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức; chỉ đạo các trường nghề tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho các đơn hàng tuyển dụng lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Với những giải pháp đó, từ tháng 1 đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã có 244 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Ninh Hòa 60 người, Nha Trang 59, Cam Ranh 41, Vạn Ninh 40, Cam Lâm 26, Diên Khánh 12, Khánh Sơn 5, Khánh Vĩnh 1.

Nỗ lực để ổn định thị trường lao động cuối năm

Ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, qua khảo sát của đơn vị, dự kiến nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh quý IV/2023 giảm từ 3 đến 5% so với quý III, tập trung ở một số ngành, lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm... Đồng thời, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 2,69%; cao đẳng 7,45%; trung cấp 4,24%; sơ cấp 1,17% và lao động phổ thông chiếm khoảng 84,45%.

Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ nay đến cuối năm, ngành sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06 ngày 10-1-2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động. Đồng thời, theo dõi sát tình hình NLĐ bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm… để kịp thời tham mưu UBND tỉnh phương án hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, sở tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư; khuyến khích NLĐ tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. Ngành cũng sẽ tập trung triển khai hiệu quả công tác đào tạo và đào tạo lại; chú trọng các chính sách tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu kịp thời của thị trường lao động. Cùng với đó, các địa phương cần theo dõi sát tình hình biến động lao động tại các doanh nghiệp để có giải pháp giải quyết mối quan hệ cung - cầu lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp về thuế, chi phí khác. Các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sản xuất, giảm một phần lợi nhuận và các chi phí khác để chăm lo cho NLĐ. NLĐ chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách giảm bớt giờ làm, làm việc luân phiên, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tổ chức công đoàn bám sát để đưa ra những gói hỗ trợ, triển khai mạnh các chương trình phúc lợi để NLĐ giảm bớt khó khăn…

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/tang-cuong-ket-noi-cung-cau-lao-dong-65f6ac6/