Tăng cường hợp tác nâng cao sức khỏe cho người di cư trong khu vực ASEAN

Ngày 26/6, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế phối hợp cùng các quốc gia thành viên ASEAN tổ chức Hội thảo quốc tế về 'Di cư và sức khỏe cho người di cư trong ASEAN' theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu thảo luận và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm nâng cao sức khỏe và thúc đẩy cuộc sống khỏe mạnh cho người di cư, đồng thời kêu gọi tăng cường tổng hòa các hoạt động hợp tác để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư, đặc biệt là người di cư xuyên biên giới.

Báo cáo Di cư Thế giới (Tổ chức Di cư Quốc tế, năm 2022) cho thấy số người di cư quốc tế trên toàn cầu ước tính là 281 triệu người vào năm 2020, chiếm 3,6% tổng dân số thế giới. Trong đó có 135 triệu phụ nữ di cư quốc tế, chiếm 48%. Theo Liên hợp quốc, số người di cư quốc tế của ASEAN là 10,2 triệu người, trong đó nữ giới chiếm 46,8%. Quốc gia có đông người di cư quốc tế đến nhiều nhất là Thái Lan (3,6 triệu), Malaysia (3,4 triệu), Singapore (2,2 triệu). Dân số Việt Nam hiện nay là 100 triệu người với tốc độ tăng hàng năm hơn 1%. Việt Nam không chỉ là đất nước xuất cư mà còn là một trong những điểm đến mới nổi của di cư quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Di cư mang lại những lợi ích tích cực như góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới. Lượng kiều hối quốc tế năm 2020 là 702 tỷ USD, trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình nhận 540 tỷ USD, chiếm 77%. Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Myanmar là các quốc gia thành viên ASEAN nằm trong top 20 quốc gia Châu Á nhận kiều hối quốc tế năm 2020.

Tuy nhiên, di cư (gồm cả di cư nội địa và di cư quốc tế) cũng mang đến những thách thức cho cả nơi đi và nơi đến như thiếu hụt nguồn lao động (tại nơi đi), các dịch vụ xã hội, an ninh an toàn, chăm sóc sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Các nghiên cứu gần đây của IOM thực hiện tại khu vực đã xác định những rào cản mà người di cư xuyên biên giới gặp phải khi tiếp cận các dịch vụ y tế, bao gồm: rào cản về ngôn ngữ, phân biệt đối xử, hạn chế về tài chính, thiếu bảo hiểm y tế xuyên biên giới và thiếu cơ chế chuyển tuyến xuyên quốc gia khi người di cư cần được chữa trị. Người di cư thậm chí dễ bị tổn thương hơn trong thời kỳ đại dịch do không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cần thiết, mà điều đó thể hiện rõ hơn cả khi chúng ta trải qua thời kỳ đại dịch COVID-19 vừa qua.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, Hội thảo quốc tế về Di cư và sức khỏe người di cư ASEAN là cơ hội tốt cho các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhận diện thực trạng và xu hướng di cư trong khu vực và thế giới, cũng như tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. “Chúng ta cần chia sẻ các bài học kinh nghiệm, sáng kiến và các mô hình chính sách của khu vực nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các đối tác nhằm thúc đẩy và nâng cao sức khỏe của người di cư”, Thứ trưởng phát biểu.

Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyung, hoan nghênh sự hợp tác giữa IOM và Bộ Y tế. Theo bà Park Mihyung, trong một thế giới năng động với nhu cầu di chuyển ngày càng cao của con người, sự hợp tác và quan hệ đối tác trong khu vực là những yếu tố quan trọng để nâng cao sức khỏe, cuộc sống khỏe mạnh cho người di cư. Những người di cư khỏe mạnh sẽ góp phần tạo dựng nên những cộng đồng khỏe mạnh.

“IOM và các quốc gia thành viên ASEAN đang có bước phát triển tích cực trong việc thúc đẩy các chương trình hành động về sức khỏe của người di cư phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM). Đây là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên tập trung và xuyên suốt về vấn đề sức khỏe, trong đó có một số mục tiêu đề cập đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Thông qua việc thực hiện GCM, các Mục tiêu Phát triển bền vững và các nghị quyết của Đại hội đồng Y tế thế giới, chúng ta có thể triển khai những hoạt động quan trọng để nâng cao sức khỏe của người di cư, thúc đẩy quan hệ đối tác liên ngành và phát triển các chính sách dựa trên cơ sở dữ liệu trong ASEAN”, bà Park Mihyung chia sẻ thêm.

Sức khỏe của người di cư là một trong những ưu tiên về y tế của ASEAN theo Chương trình nghị sự về Phát triển y tế của ASEAN sau năm 2015, cụ thể là trong Nhóm công tác Y tế số 3 của ASEAN (AHC3) về Tăng cường hệ thống y tế và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chương trình hoạt động của AHC3 có mục đích nâng cao năng lực và khả năng của hệ thống y tế nhằm cải thiện các dịch vụ cho người di cư, trong đó có người lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

NGUYỄN SÍU

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/tang-cuong-hop-tac-nang-cao-suc-khoe-cho-nguoi-di-cu-trong-khu-vuc-asean-20230626151708.htm