Tăng cường hợp tác khu vực nhằm nâng cao sức khỏe người di cư

Sáng 26-6, Hội thảo quốc tế về 'Di cư và sức khỏe cho người di cư trong ASEAN' đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo thu hút hơn 160 lãnh đạo, chuyên gia và học giả trong và ngoài ngành y tế đến từ các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo do Bộ Y tế phối hợp cùng Ban Thư ký ASEAN tổ chức, với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là diễn đàn để các đại biểu thảo luận việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm nâng cao sức khỏe và thúc đẩy cuộc sống khỏe mạnh cho người di cư.

Tại Hội thảo, các đại biểu kêu gọi tăng cường tổng hòa các hoạt động hợp tác để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư, đặc biệt là người di cư xuyên biên giới.

 Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Theo một số báo cáo, khu vực ASEAN từ lâu đã là điểm xuất phát, điểm trung chuyển hoặc điểm đến của người di cư và gia đình của họ.

Người di cư gốc châu Á có số lượng lớn (khoảng 106 triệu người), trong đó tổng số người di cư quốc tế cư trú ở châu Á là 60% (khoảng 80 triệu người). Khu vực ASEAN là khu vực có số lượng người di cư quốc tế cao nhất ở châu Á, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong 30 năm qua, tỉ lệ di cư quốc tế trong khu vực ASEAN gia tăng đáng kể và người di cư đa dạng về giới tính, độ tuổi, khả năng, khuynh hướng tình dục và sắc tộc, di cư vì nhiều lý do khác nhau.

Trên thực tế, di cư đã tạo ra những gánh nặng phức tạp về an ninh y tế cho khu vực ASEAN, trong đó có thể kể tới những rủi ro về bệnh truyền nhiễm, tổn thương và tai nạn nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần, các bệnh không lây nhiễm (như tim mạch và tiểu đường), các vấn đề sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét vẫn là những thách thức đối với các quốc gia thành viên ASEAN. Một số quốc gia trong khu vực ghi nhận tỉ lệ cao nhất về mắc bệnh lao, HIV và sốt rét. Phi-líp-pin, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất thế giới.

Hiện nay, khu vực ASEAN có sự không đồng nhất về cung cấp dịch vụ y tế. Các nghiên cứu gần đây của Tổ chức Di cư quốc tế thực hiện tại khu vực đã xác định những rào cản mà người di cư xuyên biên giới gặp phải khi tiếp cận các dịch vụ y tế, bao gồm: rào cản về ngôn ngữ, phân biệt đối xử, hạn chế về tài chính, thiếu bảo hiểm y tế xuyên biên giới và thiếu cơ chế chuyển tuyến xuyên quốc gia khi người di cư cần được chữa trị. Người di cư thậm chí dễ bị tổn thương hơn trong thời kỳ đại dịch do không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cần thiết, mà điều đó thể hiện rõ hơn cả khi chúng ta trải qua thời kỳ đại dịch COVID-19 vừa qua.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, Hội thảo quốc tế về Di cư và sức khỏe người di cư ASEAN là cơ hội tốt cho các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhận diện thực trạng và xu hướng di cư trong khu vực và thế giới, cũng như tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ hội để chia sẻ các bài học kinh nghiệm, sáng kiến và các mô hình chính sách của khu vực nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các đối tác nhằm thúc đẩy và nâng cao sức khỏe của người di cư.

Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mihyung, hoan nghênh sự hợp tác giữa IOM và Bộ Y tế, đồng thời nhấn mạnh những người di cư khỏe mạnh sẽ góp phần tạo dựng nên những cộng đồng khỏe mạnh. Theo đó, IOM và các quốc gia thành viên ASEAN đang có bước phát triển tích cực trong việc thúc đẩy các chương trình hành động về sức khỏe của người di cư phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM). Đây là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên tập trung và xuyên suốt về vấn đề sức khỏe, trong đó có một số mục tiêu đề cập đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

PV

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/tang-cuong-hop-tac-khu-vuc-nham-nang-cao-suc-khoe-nguoi-di-cu-19284