Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản

Bên cạnh các lợi ích phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, thì khai thác và chế biến khoáng sản ở nhiều nơi cũng gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Do đó, để bảo đảm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, các cơ quan chức năng cần thường xuyên quan tâm, giám sát; doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành, tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đời sống của người dân sinh sống chung quanh các khai trường, điểm mỏ.

Cơ quan chuyên môn tiến hành đo rung chấn và tiếng ồn tại khu vực Thung Bưởi, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan.

Trong những năm qua công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để đạt được những kết quả đó, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên giám sát chặt chẽ các điểm mỏ, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, tiếng ồn, khói bụi và vận chuyển sau khai thác.

Hệ thống chống ồn và phun nước được lắp đặt tại dây chuyền chế biến đã giảm thiểu tối đa tiếng ồn và khói bụi. (Ảnh: VĂN LÚA)

Có mặt tại khu vực Thung Bưởi, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan (Ninh Bình), nơi có 2 dàn máy có công suất lớn đang hoạt động chế biến đá theo dây băng chuyền khá hiện đại. Khác với hình dung ban đầu, tại khai trường các máy hoạt động khá “êm ả”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Việt, Giám đốc Công ty Đô-lô-mít Việt Nam cho biết, khi bắt tay vào khai thác đầu năm 2023, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống chống ồn và phun nước lắp đặt trên các băng chuyền vật liệu một cách bài bản, bảo đảm đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Khi doanh nghiệp tiến hành khai thác thì Ủy ban nhân dân xã nhận được kiến nghị của một số hộ dân chung quanh khai trường, theo phản ánh của người dân liên quan đến rung chấn, tiếng ồn và khói bụi đã làm ảnh hưởng đến một số hộ, đồng thời các hộ cho rằng điểm mỏ khá gần so với một số hộ trong thôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Để bảo đảm khách quan, các cơ quan chức năng đã tổ chức mời các cơ quan chuyên môn cùng người dân trên địa bàn trực tiếp đến lấy mẫu nước; đo khoảng cách từ điểm khai khác đến nhà dân; đo tiếng ồn, khói bụi.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Sơn Nguyễn Hồng Thành

Trao đổi thêm về vấn đề này, Giám đốc công ty Đô-lô-mít Việt Nam Bùi Đức Việt chia sẻ, doanh nghiệp phải bảo đảm đúng các trình tự thủ tục trước khi bắt tay vào khai thác, ngoài trách nhiệm và nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, doanh nghiệp cũng đã có trách nhiệm hỗ trợ với nhiều hộ dân quanh điểm mỏ bằng những hành động cụ thể hằng năm.

Liên quan công tác nổ mìn khai thác, ông Bùi Đức Việt cho biết, đơn vị nổ mìn là một đơn vị độc lập, ký hợp đồng nổ mìn căn cứ theo hộ chiếu nổ mìn được cơ quan chức năng cấp phép theo đúng quy định. Khi có ý kiến của người dân, doanh nghiệp đã nghiêm túc dừng khai thác để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.

Công tác lấy mẫu nước thải bên ngoài khai trường tại khu vực thôn 7, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan.

Mới đây, Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan đã ra thông báo về: Kết quả kiểm tra đo đạc khoảng cách, quan trắc độ ồn, hàm lượng bụi tại vị trí mỏ đô-lô-mít tại khu Thung Bưởi, xã Phú Sơn đến vị trí đất của các hộ dân theo nội dung đơn kiến nghị của một số hộ dân thôn 7, xã Phú Sơn.

Theo thông báo cho thấy: Khoảng cách từ vị trí nhà dân ở đến khai trường của dự án đầu tư khai thác và chế biến đô-lô-mít tại Thung Bưởi, xã Phú Sơn của Công ty cổ phần Đô-lô-mít Việt Nam là bảo đảm quy chuẩn QCVN 01:2019/BCT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ.

Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đo đạc tiếng ồn, hàm lượng bụi tại 3 vị trí theo đúng nội dung thống nhất tại Hội nghị ngày 14/2/2024 có sự chứng kiến của các cơ quan chuyên môn của huyện, Ủy ban nhân dân xã Phú Sơn và các hộ dân thôn 7, khi thực hiện đo đạc, quan trắc về tiếng ồn, hàm lượng bụi, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty cổ phần Đô-lô-mít Việt Nam triển khai cho máy móc hoạt động sản xuất nghiền đá tại khai trường theo đúng công suất được phê duyệt, kết quả cụ thể như sau: vị trí gần dự án nhất đến khai trường (vị trí sản xuất, chế biến) của Dự án, độ ồn đo được là 64,6 dBA bảo đảm quy định và thấp hơn mức quy chuẩn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn là 5,4 dBA.

Qua đo đạc, quan trắc về tiếng ồn, hàm lượng bụi lơ lửng phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất từ vị trí nhà dân ở đến khai trường dự án đầu tư khai thác và chế biến đô-lô-mít tại Thung Bưởi, xã Phú Sơn của Công ty cổ phần Đô-lô-mít Việt Nam là bảo đảm quy chuẩn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí chung quanh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho biết, toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 76 mỏ khoáng sản đang hoạt động. Để bảo đảm công tác môi trường trong quá trình khai thác, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương nơi có các điểm mỏ, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị khai thác trên địa bàn, nhất là công tác môi trường tại các điểm mỏ.

Năm 2023, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở, ban, ngành liên quan rà soát, kiểm tra tất cả các điểm mỏ hiện đang khai thác trên địa bàn tỉnh, những đơn vị nào chưa chấp hành tốt thì sẽ bị xử lý nghiêm, những đơn vị nào thực hiện tốt thì cần khuyến khích tạo điều kiện. Tỉnh xác định chủ trương phải bảo đảm công tác môi trường là quan trọng, giữ môi trường phát triển bền vững, để phát triển du lịch, do đó công tác phục hồi môi trường sau khai thác cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn

Có thể thấy rằng, hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa, thời gian tới địa phương vẫn cần tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát trách nhiệm của các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản, vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Theo Nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tang-cuong-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-trong-hoat-dong-khai-thac-che-bien-khoang-san-5002991.html