'Tẳng cẩu' - văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại

'Mái tóc dài, chải cho mượt/ Búi ngược lên thành 'Tẳng cẩu'/ Từ nay về sau, người đã có chồng/ Nước không đổi dòng/ Lòng không đổi hướng'. Câu hát ấy bao đời nay vẫn được cất lên trong lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc, trở thành lời dặn truyền đời của mẹ nói với con gái khi bước về làm dâu nhà người. Cho đến nay, tục 'Tẳng cẩu' vẫn được gìn giữ, câu hát năm xưa vẫn còn nguyên giá trị.

Phục dựng lễ Tẳng cẩu của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La.

Với đồng bào dân tộc Thái, “Tẳng cẩu” không đơn giản là tập tục truyền thống, đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đời của một người con gái, là “dấu hiệu” để nhận biết một người phụ nữ đã có chồng. “Tẳng cẩu” còn là nét đặc trưng riêng mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, tín ngưỡng, về quan niệm đạo đức và hôn nhân của đồng bào dân tộc Thái được lưu truyền qua bao thế hệ. Trước sự đổi thay không ngừng của thời đại với các luồng văn hóa mới, những kiểu tóc hiện đại dù được người trẻ yêu thích, thì nhiều cô gái ở các bản làng vẫn lựa chọn búi tóc ngược đỉnh đầu, không bỏ qua lễ “Tẳng cẩu” trong ngày cưới trọng đại như một cách thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa truyền thống ngàn đời trao truyền của dân tộc mình.

Bà Lò thị È, bản Pát, xã Chiềng Ngần, Thành phố chia sẻ: Theo truyền thống, phụ nữ dân tộc Thái đã đi lấy chồng (cùng dân tộc Thái) thì sẽ thực hiện lễ “Tẳng cẩu” trong ngày cưới theo đúng phong tục. Đó là cách thể hiện sự kính trọng với nhà chồng, cũng là thể hiện trách nhiệm làm vợ, làm dâu, khẳng định cho tấm lòng thủy chung, son sắt của người phụ nữ khi đã lập gia đình. Vậy nên, từ xưa đến nay, mỗi người phụ nữ dân tộc Thái khi trưởng thành đều tâm niệm và mong ước có “búi tóc ngược mượt đến hết đời” với ý nghĩa mong có cuộc sống gia đình hạnh phúc, bình yên.

Phong tục “Tẳng cẩu” đã được nhiều người, nhiều nơi khác biết đến. Nên mỗi khi nhắc tới vùng đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc, ai cũng sẽ nghĩ đến một hình ảnh thật đẹp về những người phụ nữ mặc áo cóm, khăn piêu và búi tóc “Tẳng cẩu” bên nếp nhà sàn truyền thống. Phong tục ấy không chỉ được riêng đồng bào dân tộc Thái gìn giữ, mà cộng đồng xã hội cũng trân trọng. Đặc biệt là khi kiểu mũ bảo hiểm “Tẳng cẩu” đã được sản xuất riêng và trao tặng những người phụ nữ dân tộc Thái đã lập gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Sơn La, vừa giúp họ tham gia giao thông an toàn, vừa giữ được tập quán truyền thống của dân tộc.

Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều người phụ nữ Thái thoát ly cuộc sống nơi bản làng, nỗ lực học tập và xây dựng sự nghiệp riêng. Do đặc thù công việc và để thích nghi với nhịp sống hiện đại, bận rộn, không có nhiều thời gian để búi tóc cầu kỳ, cũng có không ít phụ nữ Thái lựa chọn không “Tẳng cẩu” khi cưới. Chị Lò Thị Hồng Phương, Bí thư Đoàn phường Chiềng Cơi, Thành phố cho biết: Quyết định không búi tóc khi đi lấy chồng theo phong tục truyền thống phải được sự cho phép của hai bên gia đình và xin phép tổ tiên trong lễ cưới. Dù không “Tẳng cẩu” nhưng nếp sống truyền thống và những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc thì vẫn luôn được gia đình nhắc nhau gìn giữ như một thói quen hàng ngày.

Đến Tây Bắc, ai cũng sẽ có ấn tượng đặc biệt với hình ảnh các bà, các cô, các chị dân tộc Thái mặc áo cóm “Tẳng cẩu”. Đó là một hình ảnh đẹp về những người phụ nữ giữ nét truyền thống giữa cuộc sống hiện đại với muôn vàn đổi thay. Với đồng bào dân tộc Thái, “Tẳng cẩu” thời nay dù có thể khác về cách thức hay thời điểm, nhưng vẫn luôn trọn vẹn ý nghĩa về đạo lý vợ chồng và giá trị văn hóa của dân tộc.

Thảo Nguyên

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tang-cau--van-hoa-truyen-thong-trong-doi-song-hien-dai-49759