Tảng băng chìm đã chìm về đâu?

Ngày 26/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có cuộc làm việc với TP Hồ Chí Minh về tổng kết tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương III (khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí…”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hồ Chí Minh về công tác đấu tranh PCTN và lãng phí. Ảnh: VGP/Lê Sơn

TP Hồ Chí Minh làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng nghiêm trọng như: Vụ Huỳnh Thị Huyền Như (lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng), Vũ Quốc Bảo (tham ô 360 tỷ đồng), Lê Thành Công (lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại 966 tỷ đồng) và đặc biệt vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng)…

Những thông tin trên để lại dấu ấn với người nghe.

Tuy nhiên, câu hỏi của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng có sức nặng không kém: Phải chăng mới là phần nổi, còn phần chìm của tảng băng thì thế nào?

Đúng vậy, tham nhũng như tảng băng trôi, phần chìm dưới nước mới là phần lớn và là phần rất khó nhận thấy. Đó là vật cản nguy hiểm đối với mọi “con tàu”. Xã hội ta như một con tàu, rất dễ bị đánh đắm khi trên hải trình lại có nhiều “tảng băng ngầm”. Thật nguy hại khi phần chìm đó ta chưa nhìn thấy hoặc nhận diện được nó nhưng chưa đủ lực để tiếp cận làm tan chảy, bởi nó quá lớn!

Thời gian qua, có những tảng băng chìm được nhận diện, đo đếm được kích thước, xác định được thiệt hại do chính tảng băng gây ra. Nhưng trong khi thiệt hại chưa được khắc phục dù chỉ là phần nhỏ, thì tảng băng chìm đã trôi về đâu mà ngay cả cơ quan chức năng cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Vụ “ông hội đồng” Trịnh Xuân Thanh trong thời gian làm sếp ở một công ty thuộc ngành Dầu khí đã làm thất thoát 3.200 tỷ đồng. Đã có lệnh truy nã trong nước và quốc tế nhưng câu hỏi ông Thanh đang ở đâu vẫn chưa có đáp án.

Cách đây vài năm, “tác giả” ụ nổi của Vinalines Dương Chí Dũng cũng đã “lặn” ra nước ngoài, phải mất một thời gian cơ quan chức năng mới dẫn giải trở về.

Tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội là “cái ngọn” đã có quyết định cắt bỏ, vậy mà đã quá hạn 80 ngày vẫn nhức nhối với mỗi ai đi ngang qua khu vực Ba Đình.

Vụ súng nổ ở công đường tỉnh Yên Bái, cả 3 quan chức đều chết. Bao giờ cơ quan chức năng có câu trả lời cho nhân dân biết nguyên nhân nổ súng…

Từ nhiều năm nay, cụm từ “bộ phận không nhỏ” là sự ước lượng quy mô, tỷ lệ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Vậy, “bộ phận không nhỏ” này nằm ở đâu? Các cuộc điều tra, xét xử các vụ án ở các tỉnh, thành đến Thủ đô đã chỉ ra rằng: Chúng “núp” trong các văn bản có lợi ích nhóm. Chúng “núp” ở những dự án mà ở đó phần trăm hoa hồng được bỏ túi một số người. Phần trăm hoa hồng đó là luật bất thành văn được khá nhiều cá nhân, tổ chức tuân thủ nghiêm. Chúng “núp” ở những công trình hàng trăm, hàng ngàn tỷ chưa đưa vào sử dụng thì đã hư hỏng, xuống cấp. Chúng “núp” ở những con tàu, những ụ nổi, những thiết bị, máy móc được mua bằng nhiều triệu USD nhưng khi đưa về thì không phát huy tác dụng hoặc kém hiệu quả. Chúng “núp” trong những trang viên rộng hàng trăm ha đến những biệt thự hoành tráng, những xe hơi đời mới… mà thực ra tiền lương của các chủ nhân này không đủ chi trả công trông coi, bảo quản khối tài sản ấy.

Làm thế nào để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả? Tại các hội thảo góp ý Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được tổ chức nhiều nơi trong cả nước, nhiều người dân và cán bộ chỉ ra rằng: Muốn hạn chế tình trạng tham nhũng phải xử lý từ nguyên nhân, trong đó có những đề xuất sáng giá như: Điều chỉnh phạm vi phòng, chống tham nhũng sang các khu vực ngoài Nhà nước bởi nhiều khu vực tư nhân cũng có tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản các cá nhân, tổ chức khác. Tình trạng này làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, sửa đổi lần này phải có sự đột phá trong khâu phát hiện và xử lý tham nhũng… Có như thế mới xử lý được những “tảng băng chìm” và “một bộ phận không nhỏ”.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/tang-bang-chim-da-chim-ve-dau_t114c68n109890