Tân Sơn chủ động nắm bắt, khắc phục khó khăn triển khai Chương trình 1719

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình 1719), huyện Tân Sơn đã tập trung cho công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị, Nhân dân từ huyện đến xã; góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, đời sống người dân được cải thiện.

Tân Sơn là huyện có diện tích trồng chè lớn nhất toàn tỉnh đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương (thu hoạch chè tại xã Xuân Đài).

Khó khăn bước đầu

Tân Sơn là huyện miền núi với tỉ lệ đồng bào DTTS chiếm tới 83,5% dân số trong toàn huyện. Chương trình 1719 được thực hiện trên phạm vi 17/17 xã, 171/172 thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS&MN của huyện với tổng vốn đầu tư đạt 343 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án của Chương trình, huyện cũng đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc do có nhiều điểm mới về phương pháp tiếp cận, đối tượng, nội dung, phạm vi hỗ trợ, đặc biệt là việc tích hợp các chính sách liên quan đến nhiều đơn vị tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện. Các Thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình còn chậm. Nội dung một số Thông tư chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đơn cử như Dự án 1, kinh phí hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển phải thực hiện theo quy định Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, nếu thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng công trình theo quy định thì khối lượng hồ sơ quá lớn; chưa quy định rõ trường hợp địa phương còn quỹ đất nhưng các hộ có nhu cầu tự chuyển nhượng quyền sử dụng; chưa có văn bản hướng dẫn ủy thác đối với nguồn vốn sự nghiệp được giao để hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ DTTS còn gặp nhiều khó khăn; chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt. Do vậy, mặc dù đã phân bổ kinh phí thực hiện nội dung này, tuy nhiên đến nay chưa đủ căn cứ để triển khai thực hiện.

Đường giao thông liên xã ở huyện Tân Sơn được bê tông hóa, tạo thuận lợi giao thương cho người dân

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng được phân bổ đối với Dự án 4 cho các xã đặc biệt khó khăn còn thấp, manh mún, dàn trải do yêu cầu đảm bảo tất cả các xã, thôn ĐBKK đều được thụ hưởng. Trong đó, trung bình mỗi xã 1,3 tỉ đồng/năm, mỗi khu được phân bổ 375 triệu đồng/năm trong cả giai đoạn 2021-2025. Mặt khác, đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số nơi còn hạn chế về năng lực; thiếu đồng bộ về trang thiết bị phục vụ công việc, kết hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn có nhiều chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu... Vì vậy quá trình giải ngân thực hiện các nội dung đầu tư của Chương trình tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Các xã đã được thụ hưởng Chương trình 1719 sẽ không được thụ hưởng Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (khác với giai đoạn 2016-2020 vẫn được thụ hưởng). Bên cạnh đó, chỉ tiêu giảm nghèo của Chương trình đối với huyện Tân Sơn mỗi năm giảm 3%, trong khi kế hoạch giảm nghèo của tỉnh giao là 1,7%/năm. Hai số liệu này đang bất cập, vì trên thực tế tỉ lệ giảm nghèo DTTS huyện chỉ đạt từ 1,92 – 2%/năm. Do vậy, để đạt được mục tiêu giảm 3% đối với hộ nghèo DTTS sẽ rất khó khăn với huyện.

Tân Sơn tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ, trưởng khu dân cư, đồng bào dân tộc tiếp cận về quy định liên quan đến phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 9 của Chương trình.

Tạo sự đồng thuận, thống nhất

Để thực hiện hiệu quả Chương trình, huyện Tân Sơn đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025; đầu tư tập trung không dàn trải, lựa chọn đúng đối tượng ưu tiên ở 10 dự án như: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Đồng chí Nguyễn Xuân Toản – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả, UBND huyện đã thường xuyên phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các Sở, ban, ngành của tỉnh trong tổ chức triển khai, thực hiện Đề án. Đến nay, UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện đối với các công trình chuyển tiếp năm 2022; đồng thời thực hiện các quy trình khảo sát, phê duyệt các công trình đầu tư mới năm 2023 theo tiến độ và quy định. Đối với các nội dung, tiểu dự án, dự án được giao từ nguồn vốn sự nghiệp, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, quản lý nguồn vốn đã chủ động trình UBND huyện phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện theo các văn bản hướng dẫn.

Tân Sơn bảo tồn và phát huy tục Đâm đuống của đồng bào dân tộc Mường

Thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình; tổ chức thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị và UBND các xã được giao làm chủ dự án, dự án thành phần và các nội dung... khẩn trương thực hiện các nội dung, hạng mục đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp điều chỉnh thực hiện đạt kết quả, thường xuyên đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Đến nay, các chỉ tiêu thực hiện cơ bản đảm bảo tiến độ, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 1,92% (kế hoạch tỉnh giao 3 %), đạt 64% so với kế hoạch. Cùng với đó, các lĩnh vực như giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe vùng DTTS và miền núi ngày càng được quan tâm; số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm trên 6 nghìn người, tăng 41,5% so với giai đoạn trước... Số khu dân cư đủ tiêu chí ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn được 9/18 khu, đạt 50% kế hoạch giai đoạn I...

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phổ biến rộng rãi các mô hình có hiệu quả, cách làm hay; kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò Người uy tín trong cộng đồng dân cư để người dân đồng thuận góp sức thực hiện; tạo sự thống nhất của Nhân dân với chủ trương, kế hoạch thực hiện Chương trình của huyện, xã để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/tan-son-chu-dong-nam-bat-khac-phuc-kho-khan-trien-khai-chuong-trinh-1719/202902.htm