Tận mục quy trình làm ra món xôi ngũ sắc đẹp mắt ngon miệng

Xôi ngũ sắc có màu trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Đĩa xôi ngon là phải có màu đẹp tự nhiên, hạt xôi thơm dẻo.

Xôi ngũ sắc là một trong những sản phẩm đặc trưng của người Tày. 5 màu xôi tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là kim, xanh là mộc, tím là thủy, đỏ là hỏa, vàng là thổ. Người Tày quan niệm rằng, sự tồn tại của 5 chất này làm nên sự tươi tốt của Thiên - Địa - Nhân.

Thưởng thức xôi phải ăn từ từ, miếng xôi dẻo quánh, vị ngọt bùi như tan ra.

Theo Nghệ nhân Lù Phương Chúng, dân tộc Tày, ở tổ Vĩnh Lợi, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, cách làm xôi ngũ sắc rất nhiều người biết đến nhưng để có một đĩa xôi màu đẹp tự nhiên, hạt xôi thơm dẻo thì rất khó. Màu trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng.

Để có được xôi màu đỏ, chị Chúng dùng lá cơm nếp đỏ đun lên, lấy nước rồi cho gạo vào ngâm. Màu tím dùng lá nếp cẩm, còn màu vàng dùng củ nghệ già giã ra.

Lá nếp, nghệ được cho vào cối giã nát, lọc lấy nước

Gạo vo sạch, chia ra làm 5 chậu. Ngâm gạo với từng màu, mỗi chậu 1 màu. Ngâm từ 6 – 8 tiếng cho gạo mềm để đồ và màu ngấm đều thì màu xôi nhìn sẽ đẹp mắt hơn.

Để làm được xôi màu xanh đòi hỏi rất nhiều công đoạn, chị Chúng không dùng lá gừng hay lá cơm để làm xôi xanh, mà dùng tro của rơm nếp trộn lẫn với lá cơm đen giã nhỏ.

Lá cẩm đỏ và tím rửa sạch, cắt khúc cho nồi nước đun sôi 10 phút, lọc bã lấy nước để nguội.

Gạo nếp có màu tím của nếp cẩm

Sau khi ngâm xong, gạo đã ngấm màu được đồ lần lượt từng loại xôi

Để xôi dẻo và màu sắc đẹp, phải là tro của rơm nếp, đây là thứ tro được đốt lên từ những “cum” thóc nếp bà con thường để dành trên gác bếp. Sau khi ngâm gạo nếp thành các màu vừa ý, chị mới cho vào chõ để đồ.

Xôi được đồ chín, đổ ra mâm hoặc mẹt đánh tơi lên cho nhanh nguội

Có thể trộn lẫn các loại với nhau hoặc bày theo từng tầng đều đẹp mắt...

... dù nóng hay nguội nhưng xôi không dính tay.

Sau khi xôi chín có mùi vị thơm nồng của vị nếp cái hoa vàng hòa quyện với hương thoang thoảng của lá rừng. Ăn xong nhưng dư âm của thứ ẩm thực mang hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tan-muc-quy-trinh-lam-ra-mon-xoi-ngu-sac-dep-mat-ngon-mieng-705517.html