Tân Hoàng Minh đang sở hữu bao nhiêu dự án bất động sản?

Tân Hoàng Minh là chủ nhiều dự án 'đất vàng' tại Hà Nội, TP.HCM, Kiên Giang... Ngoài bất động sản, tập đoàn này đang có tham vọng lấn sân sang các lĩnh vực khác.

Khởi nghiệp từ ngành taxi rồi đến mây tre đan sau đó là bất động sản vào năm 2006, Tân Hoàng Minh dưới sự điều hành của ông Đỗ Anh Dũng đã trở thành một trong số ít doanh nghiệp sở hữu hàng loạt dự án lớn trên cả nước.

Đến nay, tập đoàn này đang sở hữu khoảng 13 dự án tại các khu đất có vị trí đắc địa của Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh và Phú Quốc (Kiên Giang). Tên gọi đến cách thiết kế của các dự án đều mang phong cách kiến trúc Pháp đặc trưng.

Tại Hà Nội, từ năm 2006 đến nay, Tân Hoàng Minh tập trung thâu tóm hàng loạt những mảnh đất có vị trí đẹp như quanh các hồ, khách sạn và công viên lớn. Cụ thể, doanh nghiệp đang tập trung đầu tư và phát triển 10 dự án bất động sản cao cấp.

D’. Palais de Louis - Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Lê Hiếu.

Liên tục thâu tóm "đất vàng"

Trong đó, 6 dự án đang vận hành là D’. Palais de Louis (số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy); D'. Le Roi Soleil Quảng An (số 2 Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ); D’. El Dorado I và D’. El Dorado II (đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ); D’ Le Pont Hoàng Cầu (36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa); D'Capitale Trần Duy Hưng (119 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy).

Các dự án đang triển khai gồm D’. Jardin Royal (Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng); Tân Hoàng Minh Lò Đúc (quận Hoàn Kiếm); Summit Building Trần Duy Hưng; Tân Hoàng Minh Hoàng Mai (quận Hoàng Mai).

Tại khu vực miền Trung, Tân Hoàng Minh đang đầu tư dự án D’. Metropole Hà Tĩnh tại đường Nguyễn Huy Tự (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh). Dự án có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng quy mô 2,4 ha xây dựng 11 tầng nổi, 1 tầng hầm với vị trí 4 mặt tiền đường lớn.

Ở miền Nam, tập đoàn này cũng đầu tư nhiều dự án tại khu đất vàng ở TP.HCM, Phú Quốc. Tại TP.HCM, Tân Hoàng Minh là chủ đầu tư Tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang D’. Saint Raffles tại số 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) với diện tích 2.000 m2.

Đặc biệt, cuối năm 2021, Tân Hoàng Minh vừa khởi công tổ hợp quần thể du lịch, giải trí tại Phú Quốc, Kiên Giang với quy mô 34 ha và tổng mức đầu tư 1,1 tỷ USD (khoảng 24.000 tỷ đồng).

Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động và đang đầu tư, doanh nghiệp cũng liên tục theo đuổi việc mở rộng quỹ đất ở nhiều địa phương trong suốt hai năm qua.

Từ giữa năm 2020, Tân Hoàng Minh và lãnh đạo TP Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư 2 dự án: Thành phố vệ tinh thông minh Xuân Mai Smart City tại huyện Chương Mỹ, giai đoạn 1 vốn đầu tư là 3,5 tỷ USD và Khu Outlet tại huyện Đông Anh, tổng mức đầu tư 400 triệu USD.

Năm 2021, UBND tỉnh Lạng Sơn và tập đoàn cũng đã ký kết biên bản thỏa thuận về việc khảo sát lập quy hoạch các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh tập trung thâu tóm hàng loạt những mảnh đất có vị trí đắc địa nhất quanh các hồ, khách sạn và công viên lớn. Ảnh: Việt Linh.

Tại Thái Nguyên, đơn vị này cũng đề xuất thực hiện 2 dự án lớn tại Thị xã Phổ Yên gồm: Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung và công nghiệp Yên Bình; Dự án Khu đô thị Nam Thái mở rộng.

Tham vọng lớn

Không chỉ dừng lại ở phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng, Tân Hoàng Minh cũng mới công bố chiến lược xây hàng triệu m2 nhà ở cho công nhân.

Theo đó, từ năm 2022, doanh nghiệp này cho biết sẽ thi công loạt khu nhà ở xã hội lắp ghép cho công nhân tại khu công nghiệp nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Hòa Bình, Long An, Bình Thuận…

Bên cạnh bất động sản, tập đoàn còn tham gia vào lĩnh vực quản lý vận hành tòa nhà, với Công ty CP Quản lý Bất động sản ALG là đơn vị quản lý khai thác và vận hành các dự án bất động sản; các văn phòng và khách sạn khác trong tương lai của tập đoàn.

Doanh nghiệp cũng sản xuất nội thất với công ty con là Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương chịu trách nhiệm với công suất phục vụ cho khoảng 10.000 căn hộ/năm.

Cách thiết kế của các dự án đều mang phong cách kiến trúc Pháp đặc trưng. Ảnh: Việt Linh.

Đơn vị này cho biết dự kiến sẽ xây dựng 50-100 trung tâm thương mại mang thương hiệu THM Retail và phát triển khu vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim mang thương hiệu THM Entertainnent.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống 50 tòa văn phòng cho thuê trong phân khúc hạng A và B tại Hà Nội, TP.HCM và một số các tỉnh thành. Trong lĩnh vực sản xuất bê tông - vật liệu xây dựng, tập đoàn sẽ xây dựng nhà máy trạm trộn bê tông, nhà máy đá tự nhiên mang thương hiệu THM Concrete...

Đáng chú ý, nhiều thông tin cho rằng Tân Hoàng Minh đang lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh chứng khoán khi các lãnh đạo mới tại Công ty CP Chứng khoán Sen Vàng đều là những nhân sự có liên quan tới doanh nghiệp này.

Cụ thể, ngoài vai trò tổng giám đốc mới nhận tại Chứng khoán Sen Vàng, ông Chu Tuấn An hiện cũng là Phó giám đốc trung tâm tài chính kế toán của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng là phó phòng tại Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (công ty thành viên của Tân Hoàng Minh).

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tan-hoang-minh-dang-so-huu-bao-nhieu-du-an-bat-dong-san-post1307633.html