Tâm thức núi trong văn chương Việt

Ngay từ xa xưa tâm thức núi rừng đã chiếm ưu thế trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Lý giải điều này không đơn giản và khá dài nhưng đó quả là hiện tượng có thật, biểu hiện cụ thể trong văn học.

Thánh địa Mỹ Sơn mùa xuân ở miền núi Quảng Nam -Ảnh: P.X.D

Theo truyền thuyết nổi tiếng “Sơn Tinh-Thủy Tinh” thì trong việc quan trọng như kén rể, vua Hùng cũng đã thách hai “ứng viên” Sơn Tinh và Thủy Tinh bằng các lễ vật: Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao, ai đem đầy đủ và tới trước thì nhà vua sẽ gả công chúa. Rõ ràng đây là những con vật của núi rừng, ưu thế đương nhiên thuộc về Thần Núi/Sơn Tinh và Thủy Tinh thua cuộc nên đã giận dữ vô cùng gây lũ lụt để đòi lại người đẹp và cả sự công bằng trong thách cưới.

Trong truyện cổ tích “Trái bầu tiên” giải thích về nguồn gốc các anh dân tộc anh em ở nước ta từ một gốc mà ra, từ trái bầu thường treo trên giàn bếp, một hình tượng rất quen thuộc đối với đời sống thường nhật của đồng bào vùng cao. Đó là một dẫn chứng tiêu biểu trong rất nhiều ví dụ trong văn học dân gian.

Chẳng hạn trong ca dao từ thuở trước: “Núi cao chi lắm núi ở/Núi che mặt trời không thấy người thương”; “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”...

Trong trường ca Đam San, núi rừng hùng vĩ, thiêng liêng không chỉ là nơi cần những dũng sĩ chinh phục, nơi thể hiện khát vọng, sức mạnh và bản lĩnh của nam giới mà còn là tấm gương thiên nhiên để phụ nữ soi vào. Vẻ đẹp tự nhiên đã thành chuẩn mực thẩm mỹ của phụ nữ Tây Nguyên. Xin hãy lắng nghe: “Nàng đi đủng đỉnh thân mình uyển chuyển như cành cây blô sai quả, mềm dẻo như những cành cây trên ngọn cây. Nàng đi như chim diều bay, phượng hoàng lượn, như nước chảy êm đềm...” hoặc ở một đoạn khác: “Nàng bước đi nhẹ nhõm như voi đập vòi, bước đi lặng lờ như cá bơi dưới nước. Da nàng trắng như hoa bầu. Tóc mềm như thác nước, đen như đuôi ngựa, mịn như lông mèo...”

Ngọn lửa đại ngàn -Ảnh: TRỊNH HOÀNG TÂN

Thời hiện đại trong kháng chiến chống Pháp ở vùng cao Tây Bắc được tái hiện sinh động trong truyện “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài còn Tây Nguyên bất khuất được phản chiếu lung linh qua tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, “Trường ca chim Chơ Rao” của Thu Bồn viết về mảnh đất Tây Nguyên kiên cường đã thành một hiện tượng văn học lan tỏa và truyền cảm hứng vào thời điểm bấy giờ. Về sau được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh. Trường ca mang chất anh hùng ca tôn vinh tinh thần Tây Nguyên bất khuất và mối tình đoàn kết keo sơn giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào miền ngược trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Họ luôn bên nhau ngay cả trong chốn lao tù: “Hùng và Rin hai người đồng chí/Hai con chim bị khóa một lồng/Cả cuộc đời hai người gắn bó/Hai con suối giao hòa cùng chảy đến một dòng sông”.

Ngay cả khi họ khóc thì đó không phải là những giọt nước mắt yếu mềm mà đó là tình yêu lứa đôi sâu nặng, là tình người thiết tha, tình cảm thiêng liêng với buôn làng yêu dấu: “Y Rin khóc, lần đầu tiên Rin khóc/Nước mắt rơi từng giọt nước mắt rơi/Hùng lê xích đến gần người bạn/Ghé vào tai thủ thỉ từng lời; “Rin ơi ngày mai trời sáng/Có con chim kêu trước hiên nhà/Mày dặn chim nói với người con gái/Tất cả tâm tình của chúng ta”; Có bao giờ Sao giận lâu trong bụng/ Một người đồng chí của mình/Sao phải nói những điều Sao muốn nói/Với hai người đồng chí sắp hy sinh...”. Sự hy sinh của họ không bao giờ uổng phí, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì máu xương của những người vị quốc vong thân đã “nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Đường lên Cửa khẩu quốc tế La Lay -Ảnh: T.N

Kế tục các nhà văn viết về núi rừng, trong đó có Tây Nguyên, Trung Trung Đỉnh là một cây bút có nhiều đóng góp đáng kể. Ông có nhiều tác phẩm văn xuôi chân thực và sinh động về Tây Nguyên, trong đó có tiểu thuyết “Lạc rừng” (1999) gây tiếng vang, đoạt giải cao nhất trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam và được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Tiểu thuyết kể lại chuyện một anh lính tên Bình từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ và đang ước trở thành dũng sĩ. Chưa đánh trận nào đúng nghĩa thì anh bị lạc rừng và được bà con vùng cao cưu mang.

Anh đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác khi tiếp cận với đồng bào miền núi Tây Nguyên. Anh bị chinh phục không chỉ bởi đại ngàn phóng khoáng và bí ẩn mà còn càng tìm hiểu càng yêu quý văn hóa, phong tục độc đáo nơi này, đặc biệt là tâm hồn, tính cách bà con Tây Nguyên. Một khung cảnh lãng mạn, nên thơ, giàu ấn tượng qua cảm nhận của nhân vật chính, người lính tên Bình “Đâu đó rất xa như có tiếng ai hát.

Giọng hát êm đến nỗi, tôi tưởng như mình được bay lên. Đầu tôi đã gối lên đùi người đàn bà. Chị ta đang thổi đinh-yơng... Âm thanh bập bùng thoáng nhẹ như lời tâm sự phát ra từ tít sâu trong tâm tưởng con người. Nó rung lên, chập chờn phía sau giọng hát rất êm với giai điệu mềm đến nao lòng”

Đó cũng là giá trị tâm thức núi rừng trong văn chương của hôm qua, rồi kể cả hôm nay và ngày mai cũng thế, luôn mở ra một trang đời mới mẻ, sinh sôi như vận vật xôn xao mời gọi mùa xuân của muôn loài.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/tam-thuc-nui-trong-van-chuong-viet/184009.htm