Tâm thức biển đảo trong Những đóa hoa khẽ hương

Những đóa hoa khẽ hương là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Bùi Thanh Hà, do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành tháng 3-2024. Xuất thân là giảng viên đại học, Bùi Thanh Hà vừa làm thơ, vừa viết bút ký, tản văn và luôn tranh thủ xê dịch, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo. Trong tập thơ mới viết theo thể thơ 1-2-3 Những đóa hoa khẽ hương, tâm thức biển đảo của Bùi Thanh Hà được thể hiện rất sinh động…

Nhà thơ Bùi Thanh Hà.

Biển đảo là một trong những biểu tượng của Việt Nam, ăn sâu vào tâm thức cội nguồn dân tộc và trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật, trong đó có thi ca. Đối với nhà giáo, nhà thơ Bùi Thanh Hà cũng vậy. Bờ biển nước ta trải dài gần 3.300km từ mũi Sa Vĩ - Móng Cái đến mũi Cà Mau, nhưng nói đến biển đảo có lẽ miền Trung gây ấn tượng nhất, hội tụ cả về môi trường thiên nhiên, con người lẫn giông tố lịch sử:

“Có một ngày tôi đến với miền Trung

Biển hát bao dung

Gặp những tâm hồn mặn mòi muối trắng

Gặp những trang sử hào hùng, cay đắng

Cát vẫn nói ngàn đời trong im lặng

Sự vĩ đại của mình”.

Biển là hình ảnh mang tính đại diện. Bên cạnh biển là cát, là đảo… và đặc biệt là “những tâm hồn mặn mòi muối trắng” của nhiều thế hệ con người đương đầu, làm nên, chứng kiến “những trang sử hào hùng, cay đắng”.

Vốn sinh ra ở vùng trung du bên bờ sông Thương, biển với nhà thơ Bùi Thanh Hà là giấc mơ và là nỗi ngạc nhiên xúc động khi chạm đến:

“Biển xanh cát trắng òa vào tim tôi

Núi rừng xanh biếc tràn vào hồn tôi

Dưới cánh máy bay đất trời xao xuyến

Tôi - người đàn bà trung du hay mơ về với biển

Muốn ôm cả đất trời

Chợt nhói lòng khi đến với miền Trung”.

Biển ở đâu cũng là biển. Sao nhà thơ Bùi Thanh Hà lại “nhói lòng” khi đến với biển miền Trung? Phải chăng do vẻ đẹp kỳ diệu tạo hóa ban phát? Hay là kỷ niệm từ tình yêu lứa đôi? Và có thể từ di sản lịch sử bi hùng trên đường tổ tiên mở cõi, giữ nước? Sự “nhói lòng” ấy là một bí mật của riêng nhà thơ, nhưng lại tạo nên “dư chấn” trong lòng người đọc.

Đề tài biển đảo chỉ là một phần trong tập Những đóa hoa khẽ hương gồm 122 bài thơ 1-2-3 của Bùi Thanh Hà, bên cạnh những bài thơ viết về núi sông, tình yêu quê hương và lứa đôi…, nhưng đây là phần quan trọng của tập thơ, từ cảm hứng đến diễn ngôn.

Tất nhiên, sau những cơn dông bão do thiên nhiên hay con người gây ra thì biển trở lại cảnh quan, vẻ đẹp kỳ vĩ vốn có của mình: “Bình minh trên đảo Lý Sơn/ Mây vờn, biển thức/ Lớp lớp sóng xô rạo rực/ Những con tàu nao nức gọi bờ xa/ Gió tâm hồn thơm ngát bao la/ Trái tim mở ánh mặt trời rực sáng”.

Thật thanh bình và quyến rũ. Cánh cửa tâm hồn con người rộng mở và trái tim khát khao rực sáng trước biển trời lãng mạn bao la.

Khác với vẻ đẹp lúc bình minh, biển đảo khi hoàng hôn về trong cảm thức của Bùi Thanh Hà lại mang một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp của sự chia xa, bối rối, nhớ nhung của một trái tim dạt dào dâng trào như sóng cuộn: “Hoàng hôn trên đảo nhỏ/ Sóng mặc áo biếc hồng/ Mây gọi chim về núi/ Mắt em có sóng nhìn bối rối/ Bờ cát giấu chân người/ Biển dạt dào dâng nỗi nhớ đầy vơi”.

Bình minh và hoàng hôn rất sinh động, vậy còn biển đảo về đêm trong thơ Bùi Thanh Hà ra sao? Thật khác biệt và lạ lẫm: “Biển thì thầm trong đêm/ Biển kể chuyện thần tiên khẽ ru đảo ngủ/ Núi cúi đầu ngẫm nghĩ/ Lấp lánh sóng lân tinh/ Lấp lánh mắt em xanh/ Tình yêu lung linh bay trong gió lành hóa thành cổ tích”.

Bìa tập thơ Những đóa hoa khẽ hương của Bùi Thanh Hà.

Biển cả bao la như người mẹ ấp ôm đảo nhỏ. Và núi như người cha vững chãi, trầm tư trước bộn bề thế sự. Một không gian kỳ ảo hiện lên và hòa vào “gió lành hóa thành cổ tích” vĩnh cửu của tình yêu!

“Tôi muốn ôm đảo vào lòng

Ôm những cánh đồng lóe sắc xanh trên cát trắng

Ôm những tâm hồn thiết tha mơ mộng

Nhưng làm sao ôm được tiếng ru của biển

Tiếng vẫy cánh của đàn chim trên sóng nước lúc hoàng hôn

Và hương hoa đêm đêm thơm ngát gọi bàng vuông”.

Từ sự mơ hồ bao la của biển gió, thơ Bùi Thanh Hà đã “bay” đến cái cụ thể hơn của “hương hoa đêm đêm thơm ngát gọi bàng vuông”, một loài hoa mang tính biểu trưng của đảo khơi và những người lính kiên cường giữ đảo:

“Dịu dàng hoa bàng vuông

Thơm ngát trong đêm

E ấp trắng hồng nồng nàn gọi gió

Anh tìm em trên đường đời muôn ngả

Những người lính kiên cường nơi đảo nhỏ

Ôm hương gió trời thầm lặng ngỏ lời thương”.

Nói về biển đảo, do hoàn cảnh lịch sử, thơ đương đại hay thể hiện lòng yêu nước, ca ngợi sự hy sinh. Bằng cảm xúc, trải nghiệm và cách nhìn riêng biệt, những bài thơ 1-2-3 tinh lọc của nhà thơ Bùi Thanh Hà đã viết về biển đảo bằng sự mượt mà, nồng thắm và đầy quyến rũ. Hình ảnh biển đảo trong thơ chị không máy móc khô khan mà luôn sinh động, lúc thì thầm như sóng vỗ, lúc mạnh mẽ như gió lộng và ắp đầy tình yêu thương, có sức vẫy gọi người đọc tri âm: “Gió muốn nói gì cùng em/ Trong bóng đêm những vì sao lặn vào biển khát/ Lặn vào mắt em/ Gió vuốt ve làn tóc/ Nơi đảo xa những chàng trai mở căng lồng ngực/ Gửi gió về...”.

Nam Việt

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202403/tam-thuc-bien-dao-trong-nhung-doa-hoa-khe-huong-9695435/