'Tấm thẻ' nâng tầm giá trị nông sản Việt

Nông sản Việt có thể tham gia vào chuỗi liên kết, cung ứng toàn cầu hay không, vai trò rất quan trọng nằm ở việc truy xuất nguồn gốc. Đây chính là khâu vừa đảm bảo chữ tín, vừa gây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Chăm sóc vườn thanh long ở Tiền Giang.

Tăng lượng sản phẩm được dán tem

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính đến nay, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (phân bố tại 54/63 tỉnh, thành phố) sang 11 thị trường; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã (chiếm 57%) đang hoạt động.

Riêng Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp, lớn nhất cả nước, Tiền Giang có 528 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Bến Tre có 84 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Tiền Giang được biết đến là vùng đất phong phú, đa dạng các sản phẩm nông sản. Những trái cây được biết đến là ngon nổi tiếng của vùng đất này phải kể đến thanh long, chôm chôm, sầu riêng... mà bất cứ ai được thưởng thức một lần đều muốn quay lại thưởng thức thêm lần nữa.

Với việc các sản phẩm nông sản của Tiền Giang được cấp mã số vùng trồng, dán tem truy xuất nguồn gốc, càng tăng thêm uy tín cho nông sản của địa phương này. Mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc chính là “tấm hộ chiếu” đảm bảo thương hiệu cho nông sản của Tiền Giang cũng như các địa phương khác trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh Tiền Giang đã được cấp 528 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói; trong đó, mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 183, diện tích gần 19.151 ha, với 7 chủng loại cây trồng, gồm: Mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chôm chôm, nhãn và sầu riêng. Tiền Giang có 307 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp phục vụ xuất khẩu, cụ thể là thị trường Trung Quốc có 299 mã số, các thị trường khó tính có 8 mã số.

Để quản lý chặt mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang đã lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về sử dụng và duy trì các điều kiện, yêu cầu của mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Tỉnh này cũng đang triển khai xây dựng thí điểm phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng tại một số địa phương trọng điểm. Theo đó, phần mềm thể hiện các thông tin của vùng trồng sầu riêng thành bản đồ, làm cơ sở nhân rộng bản đồ hóa toàn bộ vùng trồng sầu riêng và các cây trồng chủ lực của tỉnh.

Còn tại Bến Tre, tỉnh hiện có 41 vùng trồng được cấp 84 mã số. Một số loại nông sản đã xây dựng mã số vùng trồng như: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, xoài, sầu riêng… đã được xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc; trong đó có 41 vùng trồng xuất khẩu, với 84 mã số đang hoạt động, diện tích hơn 671 ha. Bưởi da xanh có 23 vùng trồng gắn 51 mã số. Chôm chôm có 3 vùng trồng gắn 6 mã số. Xoài có 4 vùng trồng gắn 16 mã số. Sầu riêng có 10 vùng trồng gắn 10 mã số. Nhãn có 1 vùng trồng gắn 1 mã số.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre khẳng định, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói như những "tấm thẻ" đảm bảo cho truy xuất nguồn gốc của các nông sản xuất khẩu. Do đó, Sở NNPTNT Bến Tre đã ban hành công văn về việc tăng cường quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, nêu rõ vai trò của các bên có liên quan trong công tác quản lý; trong đó, các địa phương theo dõi tình hình sản xuất tại vùng trồng, thực hiện quản lý mã số vùng trồng tại địa bàn.

Với tỉnh Thanh Hóa, việc áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm nông sản cũng được tỉnh hết sức chú trọng. Thanh Hóa hiện đã có 456 cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng tem truy xuất nguồn gốc. Trong đó có 252/456 (chiếm 55,26%) là cơ sở có các sản phẩm OCOP của tỉnh với 346 sản phẩm OCOP được dán tem QR Code hoặc đã có mã số, mã vạch. Chủ yếu là thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí, đồ uống, thảo dược...

Nhiều chủ thể của sản phẩm OCOP còn được các cơ quan quản lý như Sở NNPTNT tỉnh, UBND huyện/thị/xã... hỗ trợ một phần kinh phí để áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Các đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc cũng hướng dẫn tận tình, giúp các chủ thể xây dựng thành thạo quy trình truy xuất nguồn gốc. Từ đó, việc ứng dụng dán tem QR Code để truy xuất nguồn gốc đã giúp cho nhiều sản phẩm OCOP có chỗ đứng và sự uy tín nhất định trên thị trường xuất khẩu.

Giữ chữ tín cho doanh nghiệp

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc truy xuất nguồn gốc mang lại lợi ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nói riêng, cho nền kinh tế nông nghiệp nói chung.

Trước hết, việc sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp các đơn vị kinh doanh minh bạch hóa được thông tin lẫn quá trình sản xuất, cũng như nâng tầm cho sản phẩm lẫn vị trí DN trên thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với đó, việc truy xuất nguồn gốc còn tạo dựng được niềm tin và giúp người tiêu dùng nắm rõ được nguồn gốc xuất xứ cũng như tính an toàn của sản phẩm khi sử dụng. Đối với công tác quản lý nhà nước, việc các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ dễ dàng quản lý hơn nhiều so với các sản phẩm chưa được truy xuất nguồn gốc.

Thay bằng việc trước đây mỗi khi cần tìm lại thông tin sản phẩm bằng cách tìm thủ công thì nay đơn vị quản lý chỉ cần check mã vạch sẽ có đầy đủ thông tin từ hộ sản xuất đến nơi sản xuất.

Đánh giá cao vai trò của truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú cho rằng, đây chính là “tấm thẻ” khẳng định uy tín của DN, từ đó tạo vị thế của DN trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng hàng hóa, họ hết sức thông thái trong chi tiêu nên khi lựa chọn sản phẩm, những băn khoăn về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm là điều tất yếu. Do đó, các DN cần phải hết sức chú trọng “tấm thẻ” này.

Có thể thấy, sản phẩm hàng hóa có dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần bảo vệ được thương hiệu, nâng tầm giá trị của DN, hợp tác xã. Từ đó tăng tính cạnh tranh, kích thích người tiêu dùng mua hàng, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư. Đây cũng là nền tảng để xuất khẩu hàng hóa đi quốc tế, bảo vệ cộng đồng, tẩy chay hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường Việt Nam.

DUY KHANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tam-the-nang-tam-gia-tri-nong-san-viet-10275919.html