Tâm sự từ nơi bệnh nhân luôn quấn băng trắng toát

Theo tâm sự của các y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy: 'Việc các bệnh nhân phỏng nặng phải trải qua rất nhiều lần thay băng hoặc các ca phẫu thuật ghép da, sự đau đớn không chỉ về thể xác mà còn ở cả tinh thần là điều không thể tránh khỏi'.

Là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt duy nhất ở phía Nam nên Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận các ca bệnh nặng và nguy kịch.

Đặc biệt, tại khu điều trị khoa Phỏng - Tạo hình của bệnh viện, có một điểm đặc trưng khiến người ta không khỏi ái ngại vì ở bất kỳ phòng bệnh nào cũng luôn gặp những người quấn băng trắng toát, thậm chí có trường hợp quấn băng toàn thân, chỉ còn lại khoảng trống ở đôi mắt, toàn thân rỉ máu hay nước vàng do mất lớp da bên ngoài...

Khoa bỏng luôn có nhiều ca bệnh nặng, chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi sự tận tâm lớn từ đội ngũ y bác sĩ (ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy).

Vào 7h15 sáng, khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu cuộc họp giao ban hằng ngày của Khoa. Các bác sĩ lần lượt báo cáo, đánh giá tình trạng và đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân tại phòng bệnh mình phụ trách.

Sau khi họp giao ban, các bác sĩ và điều dưỡng sẽ đi thăm từng bệnh nhân để đánh giá tình hình chi tiết, quyết định phác đồ điều trị tiếp theo.

Hiện tại, Khoa đang phụ trách điều trị hơn 50 bệnh nhân nội trú và hơn 10 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày.

Mỗi y bác sĩ ở khoa phỏng luôn cẩn thận chi tiết khi điều trị bệnh nhân (ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy).

Với 8 phòng bệnh và 1 phòng Hồi sức, mỗi phòng bệnh sẽ do 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng phụ trách điều trị, chăm sóc cho 6 - 7 bệnh nhân.

Bệnh nhân nhập viện do phỏng với rất nhiều nguyên nhân như: phỏng điện, phỏng nước sôi, phỏng do xăng,… trong đó, nặng nhất là vết thương do phỏng điện.

Phần lớn bệnh nhân bị phỏng điện đều dẫn đến hoại tử, nặng nề hơn có rất nhiều trường hợp phải cắt bỏ một hoặc nhiều phần của cơ thể để bảo tồn sự sống.

Gần 20 năm làm việc tại Khoa, điều dưỡng Đào Thị Thanh Thủy cho biết: “Công đoạn khó khăn nhất trong chăm sóc các bệnh nhân phỏng, đối với mình có lẽ là vệ sinh vết thương và thay băng cho bệnh nhân.

Vết thương phỏng là một vết thương khó lành, có thể kéo dài vài tháng hoặc hơn, việc các vết thương tạo mủ, có mùi hôi, hoại tử, lộ xương,... là điều dễ thấy.

Việc các bệnh nhân nặng phải trải qua rất nhiều lần thay băng hoặc các ca phẫu thuật ghép da, sự đau đớn không chỉ về thể xác mà còn ở cả tinh thần là điều không thể tránh khỏi.

Khi vệ sinh vết thương và thay băng cho bệnh nhân, các điều dưỡng phải có sự kiên trì, một tâm lý vững và một trái tim ấm, bởi không phải ai cũng dám đối diện khi nhìn những vết thương và giữ được sự bình tĩnh để hoàn thành công việc trước sự đau đớn của bệnh nhân”.

Để cứu chữa cho bệnh nhân đòi hỏi sự lao động miệt mài từ đội ngũ y, bác sĩ (ảnh Bệnh viện Chợ Rẫy).

Trong quá trình thực hiện điều trị, các điều dưỡng và bác sĩ cũng thường xuyên động viên, hướng dẫn giáo dục sức khỏe để ổn định tâm lí cho người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân.

“Lúc mới về khoa, nhìn thấy vết thương cũng sợ, nhiều lúc thay băng cho bệnh nhân, họ la hét và không cho mình thực hiện công việc, lúc đó cũng cảm thấy buồn và bất lực.

Nhưng khi đặt mình vào trong tình trạng của bệnh nhân, xem họ như người nhà của mình, thì những lo lắng hay nỗi buồn bực này cũng qua nhanh, các chị em tại khoa cũng động viên hỗ trợ. Cố gắng nhất, kiên nhẫn nhất, nhẹ nhàng nhất, làm sao để có thể điều trị cho bệnh nhân sớm ngày khỏe mạnh để xuất viện”, điều dưỡng Trần Thị Kim Tuyến chia sẻ.

Anh Trần Vĩnh Nhân là anh ruột của bệnh nhân K.H cho biết, em gái mình bị phỏng lửa cồn, nhập viện từ ngày 13/2 với chẩn đoán phỏng tứ chi 27% độ IIAB, 5% độ III) và đã điều trị được hơn 8 ngày “Mấy cô y tá (điều dưỡng), bác sĩ ở đây ai cũng cẩn thận, chu đáo với nhiệt tình lắm. Mỗi lần thay băng với vệ sinh vết thương cho em gái, mấy cô lúc nào cũng kiên nhẫn an ủi với động viên tinh thần, nói chuyện vui vẻ cho em gái nghe.

Trước kia, mình nghĩ phỏng thì có gì đâu, thấy nó cũng bình thường. Nhưng khi đưa em gái vô đây điều trị, nhìn thấy những bệnh nhân tại Khoa mới biết được phỏng nó đáng sợ tới mức nào. Thật sự khâm phục mấy cô điều dưỡng với mấy bác sĩ đang làm việc tại đây”.

Bác sĩ CK2 Lê Hữu Lộc cho biết, việc mất đi một phần thân thể như da thịt, chân tay,… gây ra một sự tàn phá khủng khiếp cho người bệnh, cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Vì vậy các điều dưỡng và bác sĩ tại khoa luôn đồng cảm và giải thích hằng ngày với bệnh nhân, bởi không phải chỉ một ngày là bệnh nhân có thể hiểu rõ được tình trạng của mình.

“Một trong những khó khăn và ‘đau’ nhất của bác sĩ điều trị tại khoa là khi phải đưa ra chẩn đoán đoạn chi (tay hoặc chân) của bệnh nhân, để bệnh nhân có thể tiếp tục sống. Cảm xúc đó, mặc dù đã hơn 10 năm công tác tại Khoa cũng như không ít lần phải làm vậy, nhưng đến bây giờ vẫn không thể tả được. Tuy nhiên, khi nhìn bệnh nhân dần hồi phục và xuất viện, đây cũng là niềm vui, niềm động lực để mình tiếp tục công việc tại khoa” - bác sĩ Lê Hữu Lộc chia sẻ.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tam-su-tu-noi-benh-nhan-luon-quan-bang-trang-toat-post236309.html