Tâm sự của bác sĩ bỏ thành phố về quê, cứu người nghèo

Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi nghèo, trong khi bạn bè tìm cách ở lại thành phố thì thạc sĩ An lại về Mộc Châu, thay đổi y tế quê hương mình bằng nhiều kỹ thuật ngoại khoa tầm trung ương.

Thạc sĩ An xem hồ sơ cho bệnh nhân tái khám.

Người tiên phong

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc năm 2017.

Trong số đó có một bác sĩ trẻ, dáng người nhỏ bé, đến từ một tỉnh miền núi nghèo ở phía bắc. Anh là thạc sĩ, bác sĩ Vũ Giang An – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Thạc sĩ An sinh ra và lớn lên ở Mộc Châu. Anh theo học Đại học Y Thái Nguyên. Bạn bè cùng khóa hầu như ai cũng ở lại thành phố để tìm kiếm cơ hội mới, còn anh An trở về với quê hương mình, một huyện nghèo miền núi. Bệnh viện cơ sở vật chất khó khăn còn bệnh nhân thì đại đa là người dân tộc nên bác sĩ phải “chiều” bệnh nhân rất kỹ.

Trong hồ sơ gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu, bác sĩ An là người đầu tiên ở tỉnh Sơn La đưa các kỹ thuật tầm trung ương về với bệnh viện huyện.

Đó là kỹ thuật phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần, kỹ thuật mối mạch máu thần kinh và gần đây nhất từ đầu năm 2017, bác sĩ An cùng các đồng nghiệp của mình đã mổ được chấn thương sọ não cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.

Nói về con đường đến với việc chinh phục kỹ thuật mới, bác sĩ An chia sẻ, năm 2001 anh ra trường và bắt đầu từ năm 2002 anh về bệnh viện công tác, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hầu hết các khoa phòng đều thiếu bác sĩ.

Lúc đó, khoa Ngoại - Sản nơi anh công tác, mới làm những thủ thuật đơn giản như mổ lấy thai, mổ cấp cứu viêm ruột thừa, thủng dạ dày… Trong khi đó, những bệnh nhân bị tai nạn chấn thương sọ não, gẫy xương, gẫy chân tay phức tạp, quằn quại trong nỗi đau mà bác sĩ dù đã gắng hết mình vẫn chẳng thể giúp được gì hơn.

Có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng ngất vì đau khi người thân cho vào võng cáng đến, đường đi lại gập ghềnh. Lúc đó, bác sĩ phải cấp cứu chống sốc trước rồi mới cứu chữa.

Ngoài ra, một đặc điểm nữa, đó là Mộc Châu là huyện miền núi, bệnh nhân đa số là người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế nhiều khi bác sĩ chuyển tuyến để họ lên Hà Nội điều trị hay lên bệnh viện tỉnh, họ không đi mà về nhà, chấp nhận thương tật vĩnh viễn.

Điều đó khiến các bác sĩ luôn day dứt. Nếu có kỹ thuật mới, bệnh nhân sẽ có cơ hội được điều trị, không phải chịu dị tật suốt đời.

Thạc sĩ An (đứng giữa) trong buổi vinh danh gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2017

Bác sĩ An mạnh dạn đề xuất các nguyện vọng của mình với ban lãnh đạo bệnh viện và được bác sĩ Nguyễn Trung Khải, khi đó là Giám đốc Bệnh viện, ủng hộ. Anh đã đi học sau đại học tại Học viện Quân y 103.

Năm 2015, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sĩ Vũ Giang An đã thực hiện thành công ca thay khớp háng và phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối cho bệnh nhân ngay tại quê hương mình. Đây là kỹ thuật đầu tiên được triển khai ở Sơn La. Nhờ đó, người bệnh từ các huyện lân cận như Vân Hồ, Mai Sơn, thậm chí từ Lào, cũng sang bệnh viện thăm khám và điều trị.

Nhiều kỹ thuật mới được triển khai

Đến nay, bác sĩ An cùng kíp bác sĩ Bệnh viện đa khoa Mộc Châu làm chủ được các kỹ thuật như phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần cho 7 bệnh nhân, trong đó có 2 bệnh nhân thay khớp háng toàn phần 2 cả hai bên; Phẫu thuật vi phẫu nối mạch máu thần kinh; Phẫu thuật vá da, ghép gân tự thân; Phẫu thuật kết hợp xương tứ chi...

Đặc biệt, kỹ thuật “phẫu thuật nối mạch máu thần kinh” và phẫu thuật sọ não là hai kỹ thuật khó, bác sĩ An cũng là người thực hiện chính.

Với kỹ thuật phẫu thuật nối mạch máu thần kinh để làm những động tác nối mạch máu bị đứt, chấn thương hoặc thay đoạn mạch máu, nếu phẫu thuật viên không được chuẩn bị đầy đủ, không tinh tế, thì dù có nối được nhưng mạch vẫn bị tắc. Khi mạch bị tắc, chi không được cấp máu sẽ dẫn đến hoại tử phải cắt bỏ.

Bác sĩ An tâm sự, nếu không đưa các kỹ thuật mới về, nếu cứ e dè sợ không làm được, người dân Mộc Châu sẽ không được hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất.

Bác sĩ chuyên khoa II Vi Hồng Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, cho biết, phía Bệnh viện luôn tạo điều kiện để anh em bác sĩ có tâm huyết và mong muốn học hỏi các kỹ thuật khó, được đi học, nâng cao tay nghề.

Tuy nhiên, để việc học mang lại hiệu quả, mỗi lần anh em bác sĩ xin đi hoc, giám đốc Bệnh viện phải "khoán" một kỹ thuật mới và học về phải triển khai tại bệnh viện được. Nhờ đó năm nào Bệnh viện cũng có kỹ thuật mới mang tầm trung ương để triển khai tại bệnh viện.

Phương Thúy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tam-su-cua-bac-si-bo-thanh-pho-ve-que-cuu-nguoi-ngheo-post221492.info