Tâm sự buồn của người 'mẹ cả' trong mái nhà chưa bao giờ có bóng đàn ông

Họ là 3 người đàn bà không chồng và một đứa trẻ chưa từng dám hỏi 'cha con là ai?'...

Một buổi sáng oi ả, chúng tôi tìm đến thôn 9, xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất), nằm cách trung tâm Hà Nội 30 km, nơi có một mái nhà với những phận người khá đặc biệt: mái ấm của 3 người đàn bà không chồng và một đứa trẻ chưa từng biết mặt cha.

Tìm đến xóm Hương Mới, hỏi nhà "cô Linh, bé Thường" thì người dân đều nhanh nhảu chỉ đường dẫn đến cuối ngõ. Một cánh cổng nhỏ nằm len lỏi giữa xung quanh là những mái nhà kiên cố, trước mắt chúng tôi là ngôi nhà cấp bốn nhỏ, vỏn vẹn chắc tầm mấy chục mét vuông.

Những người phụ nữ bất hạnh

Đó là ngôi nhà của ba chị em: Nguyễn Thị Linh (SN 1964), Nguyễn Thị Thái (SN 1971), Nguyễn Thị Hồng Minh (SN 1973) và một bé gái có tên Nguyễn Thị Thường (SN 2002). Thường đều gọi ba người phụ nữ này là "mẹ".

Tiếp chuyện chúng tôi, chỉ có bà Linh ở nhà. Bà đã 53 tuổi nhưng lại đang là trụ cột của cả 4 con người.

Ngôi nhà tuềnh toàng, đơn sơ với chiếc giường nhỏ và vài vật dụng cần thiết. Bà Linh mới từ ngoài đồng về, vội vã đưa chén nước mời khách, vẫn chưa kịp thay chiếc áo bục chỉ, lỗ rỗ vài mảng rách đã lộ da thịt…

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà bảo, hai cô em gái đều không có nhà. Bà Thái thì được họ hàng dẫn đi chơi, bà Minh thì đi cắt cỏ thuê đến trưa mới về ăn cơm, còn bé Thường thì được đi Sầm Sơn tham quan hè cùng bác gái ở trường tiểu học trong làng.

Bà Linh buồn bã kể về những chuyện không vui của gia đình.

Lặng lẽ kể cho chúng tôi nghe về chuyện của gia đình, bà cho biết: Từ bé, hai cô em gái của bà đã không may mắc phải bệnh tâm thần sau một lần lên cơn sốt, bị bệnh não. Mấy chục năm qua, họ đều trong trạng thái bần thần, ngây ngô, thậm chí nhiều lúc lên cơn thì lục lọi, la hét đủ thứ...

Vậy nên, bà Linh là người duy nhất tỉnh táo. Sinh ra trong gia đình có truyền thống giáo viên, nhưng khi tốt nghiệp THPT, bà quyết định đi làm công nhân chứ không học tiếp nữa. Hồi tuổi đôi mươi, bà được mai mối gả cho một người đàn ông cùng làng nhưng mối duyên chỉ được hơn 1 năm thì đã tan vỡ, từ đó bà cũng không có lòng dạ đến với bất kỳ ai khác.

"Năm 1986, tôi 22 tuổi thì mẹ mất, lúc đấy chỉ nghĩ rằng không còn mẹ nữa thì có ai chăm sóc hai đứa em. Thế là tôi về với bố và các em, đỡ đần đau đến nay cũng ba chục năm rồi. Cái Minh đi cắt cỏ cho người ta, nói là đi cắt thuê nhưng ngày được có chục, hai chục nghìn ấy mà, có biết làm, biết nói gì đâu.

Căn nhà nhỏ của ba chị em bà Linh và cô con gái duy nhất.

Nhiều lúc cũng nghĩ và buồn, bằng này tuổi rồi, bạn bè gọi đi họp lớp này nọ thì chẳng dám đi. Bởi mình chẳng muốn chuyện trò gì, với lại hoàn cảnh như thế này cũng không muốn gặp gỡ…".

Hơn 30 năm nay, mấy chị em nương tựa vào nhau. Chỉ có mấy sào ruộng, một mình làm lụng đã vất vả rồi nhưng bà lại phải gánh thêm hai cô em gái ngờ nghệch khiến cuộc sống càng eo hẹp.

Bà bảo, "có 7 sào, nhưng năm nào được mùa mới được, chứ như năm ngoái mất mùa, còn 3 sào thì chỉ thu được 4-5 cân thóc. Ngày rảnh thì trồng rau muống đem ra chợ bán, cũng đỡ được bữa cơm...".

"Hạnh phúc to" của 3 người mẹ dưới một mái nhà

Thì ra, quãng thời gian 1 năm làm dâu ngắn ngủi cũng chưa kịp cho bà Linh được làm mẹ, bởi chồng bà khi đó đi bộ đội. Và bé Thường – cô bé mà bà luôn coi như con gái đẻ thực ra là giọt máu của em gái (bà Minh) trong một lần bị người ta làm hại. Sau hơn 10 năm ở vậy nuôi em, bà cũng tính chuyện đi xin con nuôi, rồi đứa trẻ này đến, như một nhân duyên "trời ban" vậy.

"Năm 2002, nó (bà Minh - PV) thường đi mò cua, bắt ốc rồi bị người ta hại. Tôi không hay biết gì, nó thì lại không biết nói năng, đến khi thấy bụng to lên thì mới phát hiện.

Lúc đó ê chề lắm, làng xóm xì xào rồi khuyên rằng đưa nó đi bỏ cái thai đi. Đắn đo, suy nghĩ nhiều nhưng rồi quyết định dù có thế nào thì cũng phải giữ lại đứa bé này cho em mình, sinh ra có ra sao thì cũng là người nhà, có duyên đến với mình rồi.

Mẹ nó mang thai nhưng không biết gì cả, hôm kêu đau bụng, đưa đi đẻ thì nó đi thôi. Sinh con ra, tôi nằm bên cạnh, con bé nằm giữa, lâu lâu lại bảo mẹ nó "vạch áo lên cho con bú đi".

Hình ảnh của bé Thường hồi còn nhỏ... Cô bé khá xinh xắn, trắng trẻo và cao ráo.

Kể từ đó, bà trở thành "mẹ cả" của bé Thường. Cô bé đều gọi cả ba người phụ nữ trong nhà là mẹ. "Thường" là cái tên được đặt với mong muốn cô bé sẽ có cuộc sống bình yên, phẳng lặng. Giờ, cô bé đã trở thành một thiếu nữ với gương mặt thanh tú.

Nói về Thường, bà Linh đượm buồn bảo: "Con bé cao, lớn lắm, nó (Thường – PV) giống bố nhiều. Nhưng lúc nào cũng mang một nét buồn bã, nó ít nói và ít chơi bời với bạn bè.

Lúc mới đi học, nó về nhà bảo "bạn ở lớp bảo con không có bố", tôi chỉ biết nói rằng "thế thì con cứ bảo là bạn có bố nhưng còn không ngoan bằng tớ". Đến khi nó lên lớp 5 mới dám nói thật rằng "thực ra con có bố, bố con ở làng bên, nhưng người ta không nhận, họ không có lòng với mình thì cũng thôi vậy con ạ...". Nó nghe vậy thì chỉ lẳng lặng chứ không nói gì cả...".

Những tấm bằng khen từ cấp trường, huyện rồi cấp thành phố mà cô bé 15 tuổi đạt được chính là niềm an ủi rất lớn đối với "mẹ cả", "mẹ Thái" và "mẹ Minh".

Về phía Thường, dù biết bố mình ở gần thôi nhưng cũng chưa một lần dám hỏi "bố con là ai", vì em rất sợ nhỡ mẹ đẻ trong lúc tỉnh táo mà nghe được thì sẽ đau lòng.

May mắn thay, Thường lớn lên mạnh khỏe, thậm chí còn rất ngoan ngoãn và thông minh. 9 năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, giành giải cao trong nhiều cuộc thi của huyện và thành phố. Đó là hạnh phúc vô bờ, niềm an ủi và hy vọng lớn lao cho những người mẹ kém may mắn ấy...

Nông Thuyết

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tam-su-buon-cua-nguoi-me-ca-trong-mai-nha-chua-bao-gio-co-bong-dan-ong-20170625225153635.htm