Tấm lòng nhà báo Đinh Chương với Bác Hồ kính yêu

Nhà báo Đinh Chương có bút danh là Hồ Thu Ba, sinh ngày 19-5-1932, quê xã Hòa Khương, Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ông là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam từ đầu năm 1953 và An toàn khu Việt Bắc, đến cuối năm 1993 nghỉ hưu tại Đà Nẵng. Ông được phục vụ Bác Hồ từ năm 1956 - 1969 trong một số hoạt động đối nội, đối ngoại của Người. Sự ảnh hưởng từ Bác đối với nhà báo Đinh Chương sâu đậm đến mức, không chỉ trong quãng đời làm báo của mình mà cả những khi có dịp nói chuyện với lớp sau, ông luôn nhắc lại lời Bác dạy "Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí. Ngòi bút của nhà báo là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà"… Sau thời gian lâm bệnh nặng vì tuổi cao sức yếu, nhà báo Đinh Chương đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 25-9-2016…Báo Công an TP Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo, nhà thơ, Đại tá Hồ Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng báo chí- Thông tấn, Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam về nhà báo Đinh Chương.

Nhà báo Đinh Chương ngồi sau Bác trong dịp Bác tiếp Đoàn Đại biểu ĐCS Đan Mạch.
Ảnh: TƯ LIỆU

Không chỉ riêng với thế hệ những người làm báo ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, nhiều đồng nghiệp, bạn bè trong cả nước, các nhà lãnh đạo Trung ương và địa phương; những người tốt, việc tốt được báo chí nêu gương và Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu; những bạn đọc quan tâm tìm hiểu cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh... đã yêu mến và biết đến nhà báo lão thành Đinh Chương như "Một chuyên gia tư liệu sống về Bác Hồ". 40 năm làm phóng viên tin Thông tấn xã Việt Nam và cho đến khi qua tuổi "thất thập cổ lai hy", ngoài hàng ngàn tin bài cung cấp kịp thời cho các báo ở T.Ư và địa phương, nhà báo Đinh Chương đã có một kỳ tích thật hiếm có và khá độc đáo: xuất bản 6 tập sách với hơn 2.000 trang in viết về những kỷ niệm và mẩu chuyện về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Năm 2004, ở tuổi 72, dạ dày bị cắt mất ¾, nhà báo Đinh Chương ốm o, hốc hác hẳn đi, cân nặng chỉ còn 42 kg. Nghĩ đến Bác đi xa thấm thoát đã 35 năm, Đinh Chương bồi hồi xúc động đã cố gắng hết sức mình cho ra mắt bạn đọc cuốn sách "Bác Hồ nói, chúng cháu ghi" được Nhà Xuất bản Đà Nẵng trân trọng đón nhận và ấn hành. Trang mở đầu được in đậm những dòng chữ:

Tháng Năm, tháng tôi yêu nhất. Trời tháng năm trong sáng dịu dàng.

Mười chín tháng năm, ngày tháng tôi ra đời, vinh dự trùng với ngày sinh của Bác.

Tôi yêu tháng năm bao nhiêu, tôi càng kính yêu Bác Hồ bấy nhiêu.

Mỗi khi nhắc đến tên Bác, thì không biết bao nhiêu lời dạy quý báu, hình ảnh kính yêu dồn dập đến trong đầu, tràn ngập trong tim. Những hình ảnh đẹp đẽ, cao quý, lời dạy thắm thiết, sâu xa mãi mãi in đậm trong tâm trí tôi không bao giờ quên được.

Tôi dâng tất cả tấm lòng kính yêu, quý mến lên Người-Hồ Chí Minh vĩ đại!

Bước sang năm 2005, để kỉ niệm lần thứ 115 ngày sinh của Bác, bày tỏ lòng biết ơn và yêu quý vô hạn của mình, nhà báo Đinh Chương đã chủ biên và Nhà Xuất bản Đà Nẵng đã cùng lúc cho ra mắt bạn đọc hai tập sách với hàng trăm kỉ niệm và mẩu chuyện về Bác. Tập thứ 5 "Hồ Chí Minh qua ký ức các nhân chứng lịch sử". Tập thứ 6 "Xin đừng quên lời nhà báo Hồ Chí Minh". Đồng nghiệp và bạn bè trong cả nước càng thêm mến phục nhà báo Đinh Chương đã làm việc quên ăn, quên ngủ, quên cả ốm đau bệnh tật, mang lại cho đời hai tập sách quý mà mỗi câu chuyện là một bài học bổ ích, thiết thực cho hôm nay và mai sau.

Có thể nói, nhà báo Đinh Chương là một trường hợp khá đặc biệt, là một hiện tượng có một không hai của TTXVN và của giới báo chí cách mạng Việt Nam. Gần như trọn đời mình, nhà báo Đinh Chương đã tập trung chuyên sâu viết về Bác Hồ với tất cả niềm kính yêu, thủy chung son sắt. Nói như trong thư của các anh Đào Tùng, Đỗ Phượng, Hồ Tiến Nghị-nguyên là Tổng Giám đốc TTXVN qua các thời kỳ và trong hồi ức của nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ-nguyên là Phân xã trưởng TTXVN tại Quảng Nam-Đà Nẵng: "Đinh Chương là một phóng viên có đầy ắp những kỷ niệm và tư liệu quý giá về Bác Hồ mà không người làm báo nào trong cả nước có được. Không thể diễn tả được Đinh Chương đã yêu quý Bác như thế nào đâu. Chỉ cuộc đời của ông ấy mới trả lời được điều đó".

Nhà báo Đinh Chương.

Nhớ lại đầu năm 1954, Bác Hồ đặt giải thưởng cho các cơ quan báo chí ở T.Ư, cùng toàn dân bước vào giai đoạn kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, TTXVN phát động phong trào thi đua giật giải thưởng của Bác. Lúc ấy Đinh Chương lấy máu tay mình tô đậm chữ "Bác" trên khẩu hiệu thi đua của báo tường T6 (mật danh của TTXVN). Được đi công tác phục vụ Bác nhiều lần, tận mắt thấy những việc Bác làm, tận tai nghe những lời Bác nói, Đinh Chương cảm kích và yêu quý Bác vô cùng. Đinh Chương lấy họ, tên của Bác đã đặt qua các thời kỳ để làm bút danh cho những bài viết của mình là Hồ Thu Ba. Trong nhiều chuyến đi công tác về nông thôn, nói chuyện với các hội nghị bàn về công tác thủy lợi, thăm các hợp tác xã nông nghiệp và nghề cá; động viên đồng bào, chiến sĩ trên công trường đại thủy nông Bác-Hưng-Hải; tát nước chống hạn với nhân dân, chuyện trò thân mật, vui vẻ với bà con nông dân vùng sâu vùng xa và những gương người tốt việc tốt ở các địa phương... Bác Hồ luôn ân cần căn dặn: "Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên", "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", "Ngày nay khó nhọc, ngày sau cơm vàng"... Năm 1959, Đinh Chương ra mắt bạn đọc tập sách đầu tay mang tên "Hòn núi cao" thể hiện chí cách mạng kiên cường và sức mạnh đoàn kết vững vàng của Bác.

Ngày Bác đi xa, suốt mười mấy ngày đêm đi làm tin, nước mắt Đinh Chương nhạt nhòa các trang giấy viết. Hình ảnh Bác luôn hiện trước mắt ông. Cứ nghĩ đến việc không còn được đi công tác với Bác là Đinh Chương lại khóc. Bác đã thắp sáng trong ông niềm tin, hạnh phúc và tình yêu trong sáng để phấn đấu trở thành nhà báo chân chính, người phóng viên của nhân dân. Đinh Chương nén lại nỗi đau và dốc lòng sưu tập tư liệu về Bác. Năm 1985, kỷ niệm lần thứ 95 Ngày sinh của Bác, ông ra mắt bạn đọc tập hồi ức "Những lần gặp Bác". Năm 1994, kỉ niệm 25 năm ngày Bác đi xa, Nhà Xuất bản Đà Nẵng trân trọng gửi đến bạn đọc tập sách thứ ba của ông "Những kỷ niệm về Bác" gồm những mẩu chuyện vô cùng xúc động, yêu thương của cán bộ, đồng bào, thanh niên, anh hùng và chiến sĩ miền Nam được gặp Bác. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất vui lòng và viết lời giới thiệu cho cuốn sách này, xem đây là "những trang vô giá"...

Trong căn phòng ông ở và làm việc đầy ắp những hiện vật, kỷ niệm với Bác. Từ điếu thuốc lá thơm Bác tặng, khá nhiều bức ảnh của Bác đi thăm nhân dân, làm việc với các ngành, địa phương, tiếp các đoàn khách quốc tế... mà ông có mặt làm tin được chụp đứng phía sau Bác, những tin bài của ông được Bác sửa chữa ghi bút đỏ bên lề, những bản thảo của Bác được Bác tiết kiệm viết ở mặt sau của các bản tin của TTXVN... được ông lưu giữ hết sức cẩn thận luôn giúp ông trau dồi nghị lực vượt qua bệnh tật và mọi khó khăn của đời sống gia đình để luôn sống xứng đáng với những ngày tháng được phục vụ Bác và được Bác dạy dỗ trưởng thành, tiến bộ...

Hồ Ngọc Sơn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_155163_ta-m-lo-ng-nha-ba-o-dinh-chuong-vo-i-ba-c-ho-ki-nh.aspx