“Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè”

SGTT - Lưu Văn Sìn là một sinh viên lớp đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông là người gốc Hoa, sống lặng lẽ và vẽ rất ít. Ba bức sơn dầu của họa sĩ, hai bức vẽ năm 1936 và bức này vẽ 22 năm sau, là những kiệt tác phong cảnh của hội họa Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Có cái gì đó gần gũi với văn thơ của Hồ Dzếnh, cũng là đại diện xuất sắc gốc Hoa của phong trào Thơ mới. Đó là một cái ao nhỏ tù đọng với một vạt bèo xanh, một con đường đất vắt chéo mặt tranh, những khóm chuối và bụi cỏ bên bờ nước và rặng tre ngăn làng với cánh đồng lúa ngoài kia một cách hững hờ. Đó là một buổi trưa nắng ong ong rọi bóng người đàn bà dân quê với cái nón thúng xuống nền đất ấm. Có lẽ gió chỉ rất nhẹ, cây cối “ngây tình như bất động” (Hàn Mạc Tử). Tất cả từ xa tới gần lơ mơ như cơn ngủ ngày mà rõ mồn một từng chi tiết. Tôi từng được sống cùng những người đàn bà như thế này ở trung du Phú Thọ. Khăn mỏ quạ đen kín đáo, áo nâu mộc mạc, yếm hồng và thắt lưng xanh lẳng lơ, cái váy sồi thâm “buông chùng cửa võng” tình tứ. Tất cả rõ ràng trên tranh đây mà vĩnh viễn đã thành đồ vô tình trong bảo tàng dân tộc học, còn chẳng được như cái bóng người đàn bà dưới ao kia! Hòa sắc nâu – vàng – lục thật đặc trưng cho thôn quê Việt Nam. Màu nâu vàng của họa sĩ như một đoản khúc tế nhị, còn màu lục thì là cả một trường khúc phong phú lạ thường. Lưu Văn Sìn làm hiển thị cái hồn quê “trong một buổi trưa hè” (thơ Tế Hanh). Tài hơn người ở sự biểu hiện màu phong phú, quan sát sự vật đến chân tơ kẽ tóc và trên nữa – hòa màu của ông có nhiệt độ và độ ẩm. So với cái lạnh lẽo khô cứng trong tranh của Inguimberty – thầy ông, đã giới thiệu ở số báo trước – ta mới thấy tâm hồn là cái quyết định nghệ thuật hơn óc phân tích hay sự khéo tay.

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/giai-tri/124696/%e2%80%9ctam-hon-toi-la-mot-buoi-trua-he%e2%80%9d.html