Tấm gương tự học của Bác Hồ

Núi cõng con đường mòn. Cha thì cõng theo con. Núi nằm ì một chỗ. Cha đi cúi lom khom. Đường bám lì lưng núi. Con tập chạy lon ton. Con siêng hơn hòn núi. Con đường lười hơn con…

Những câu thơ ngộ nghĩnh trong bài thơ “Con đường” đã bộc lộ chí khí của cậu bé 5 tuổi Nguyễn Sinh Cung. Qua ông ngoại và cha, từ tấm bé, Bác Hồ đã sớm được chạm đến tinh hoa của Tứ thư, Minh tâm bảo giám hay Ấu học ngũ ngôn thi. 13 tuổi được nghe những từ Tự do - bình đẳng - bác ái. 21 tuổi, khát vọng cháy bỏng là ra đi tìm đường giải phóng dân tộc. Tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moscow, Người đã khai rõ trong lý lịch: "Trình độ học vấn: Tự học". Tự học của Bác Hồ có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Tự học của Người là tiếp nhận tinh hoa từ các nguồn ánh sáng khác rồi gộp chúng lại, tìm ra cho bản thân mình, dân tộc mình con đường giải phóng. Cuốn sách đã trình bày kỹ lưỡng về quá trình tự học của Bác Hồ; từ hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, biết đến 14 ngoại ngữ, trong đó sử dụng thành thạo 8 ngoại ngữ. Bắt đầu từ việc làm thợ đốt lò trên tàu viễn dương, làm đầu bếp ở Mỹ, quét tuyết ở Anh, bốc thuốc ở Thái Lan, viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh, thợ sửa đồng hồ… Làm rất nhiều việc, nhưng nhờ tự học mà Bác làm việc gì cũng giỏi. Với khả năng tự học, Người đã lĩnh hội được cả hệ thống trí thức đồ sộ của nhân loại và có sự nhạy cảm sắc sảo về chính trị, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi bằng sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên thiên tài và trí tuệ của Người. Người viết: “Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Nhưng chúng ta ai cũng biết, Người có một trình độ học vấn rộng lớn, uyên bác mà cả thế giới phải khâm phục và thừa nhận. “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”… Đó chính là thành quả của việc Người đã miệt mài học tập cả cuộc đời, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Học đi đôi với hành. Học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Người cũng phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ. “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”. Những câu chuyện trong cuốn sách càng khiến chúng ta nhớ về Bác, và mong muốn cho những thành công của giáo dục nước nhà, cho những thế hệ măng non đang được gieo trồng thật sự được hưởng thụ một nền giáo dục tiên tiến, như ý nguyện của Bác lúc sinh thời. Và mãi mãi noi theo tấm gương sáng đầy thuyết phục về Tự học của Người : "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng"... Tác giả : Huyền Trang

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/tam_guong_tu_hoc_cua_bac_ho__a66a7f5968.html