Tam Dương vững bước trên lộ trình phát triển xây dựng huyện công nghiệp

Là huyện nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh, Tam Dương có kết nối giao thông thuận lợi, nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Tam Dương đã phát huy lợi thế về vị trí địa lý, khai thác tốt tiềm năng, đồng thời, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng CNH-HĐH. Cùng với sự lớn mạnh của tỉnh về KT-XH, quốc phòng, an ninh, Tam Dương đang tập trung xây dựng huyện phát triển toàn diện, bền vững; phấn đấu trở thành huyện công nghiệp vào năm 2030.

Toàn cảnh Công ty TNHH Vitto (KCN Tam Dương II). Ảnh: Dương Hà

Tạo tiền đề

Cách đây tròn 25 năm, theo nghị quyết của Quốc hội khóa IX, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và hơn 1 năm sau thực hiện Nghị định số 36 của Chính Phủ, huyện Tam Dương cũng được tái lập trên cơ sở chia tách từ huyện Tam Đảo.

Thời điểm đó, cùng với những khó khăn chung của tỉnh, Tam Dương gặp nhiều khó khăn, thách thức, là huyện thuần nông với xuất phát điểm kinh tế thấp, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi gò bạc màu, tiền đề để phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ rất hạn chế; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH còn nhiều bất cập, vừa thiếu, vừa không đồng bộ, không có nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và ý trí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó là sự đồng thuận, nỗ lực cố gắng của các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Trên cơ sở vận dụng linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, xác định đúng đắn chiến lược phát triển, lộ trình và bước đi phù hợp, gần 25 năm tái lập, huyện Tam Dương đã hoàn thành điều kiện, tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các mặt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm tăng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân đạt 287 tỷ đồng, tăng gấp 50 lần so với năm đầu tái lập huyện.

Tam Dương vẫn là điểm sáng của tỉnh về sản xuất nông nghiệp. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác đạt trên 96 triệu đồng/ha, tăng gấp 5 lần so với năm 1998.

Huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trồng cây có giá trị kinh tế cao như: Mô hình gạo Long Trì, rau quả xanh ở Vân Hội, Kim Long, An Hòa, thị trấn Hợp Hòa... Trong chăn nuôi, với lợi thế là địa phương có nhiều đồi gò, huyện tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung, do vậy, Tam Dương luôn là địa phương có tổng đàn gia cầm cao nhất tỉnh.

Tập trung cao độ cho GPMB

Xác định phát triển công nghiệp là động lực để phát triển kinh tế, huyện đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB, xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng do tỉnh và huyện đầu tư trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi nhằm kết nối huyện với các địa phương trong tỉnh, giữa các khu, cụm công nghiệp.

Trong đó, tập trung cao độ GPMB để đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, phát triển công nghiệp theo đúng định hướng.

Với lợi thế là địa phương có quỹ đất dồi dào đã tạo điều kiện cho huyện hình thành các khu, cụm công nghiệp, thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Theo quy hoạch, Tam Dương có 4 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 540 ha. Huyện đã hình thành và triển khai thực hiện đối với 2 cụm công nghiệp (CCN) là Hợp Thịnh và Hoàng Lâu với tổng diện diện tích gần 100 ha. Đồng thời, có kế hoạch đề nghị bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp Duy Phiên, Hoàng Đan, Hướng Đạo, Kim Long và Vân Hội trong thời gian tới.

Để các khu, cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động, góp phần tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước, BTV Huyện ủy đã xác định công tác bồi thường, GPMB phải là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Do vậy, huyện yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm, đồng thời, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ về công tác bồi thường GPMB.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm về bồi thường, GPMB và phổ biến chế độ chính sách áp dụng tại địa phương khi Nhà nước thu hồi đất được quan tâm nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, có 2/4 KCN trên địa bàn đã bàn giao gần hết mặt bằng cho chủ đầu tư hoặc được huyện, nhà đầu tư tiến hành kiểm đếm đối với diện tích đất phải thu hồi, GPMB.

Số diện tích còn lại đang được UBND huyện, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, tổ công tác đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thuận việc kiểm kê, kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất.

Tại các cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt, đã đề nghị các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục, làm cơ sở để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB theo quy định.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng

Nhằm kết nối giữa huyện với các địa phương trong tỉnh, giữa các khu, cụm công nghiệp, Tam Dương tăng cường đầu tư hệ thống đường giao thông như: Đường vành đai KCN Tam Dương I, đường vành đai 2, đường vành đai 3, đường nối KCN Tam Dương I và Tam Dương II, đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh…

Đồng thời, tiếp tục đề xuất để UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai thi công nút giao IC5 cao tốc Nội Bài - Lào Cai xuống địa bàn huyện Tam Dương trong thời gian tới.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, lãnh đạo huyện Tam Dương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về đất đai, cơ chế, chính sách; quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, nâng cao phẩm chất, đạo đức công vụ, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp.

Từng bước thay đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý, vừa phục vụ để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính nhanh gọn, linh hoạt.

Chính vì vậy, những năm gần đây, Tam Dương thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của Tam Dương lên hơn 19%/năm.

Trong đó, có một số dự án của các nhà đầu tư đã và đang hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, góp phần tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Tiêu biểu như Công ty TNHH Vitto (KCN Tam Dương II - khu A), chuyên sản xuất các loại gạch ốp lát chất lượng cao. Bình quân mỗi năm công ty cung cấp cho thị trường gần 15 triệu m2 gạch với doanh thu đạt hơn 1.400 tỷ đồng, bảo đảm việc làm ổn định cho 730 lao động với thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng.

Với quyết tâm chính trị và tinh thần đoàn kết, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tam Dương sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện phát triển toàn diện, bền vững và trở thành huyện công nghiệp vào năm 2030.

Hoàng Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71223/tam-duong-vung-buoc-tren-lo-trinh-phat-trien-xay-dung-huyen-cong-nghiep.html