Tâm điểm chú ý sau thảm kịch tàu lặn Titan

Thảm kịch của tàu ngầm Titan đã khiến nhiều người chú ý đến một loại hình du lịch mạo hiểm khác: Du lịch vũ trụ.

Khi con tàu lặn Titan thu hút sự chú ý suốt ngày đêm của giới truyền thông kể từ khi nó mất tích vào ngày 18/6, những người làm việc trong ngành du lịch vũ trụ tư nhân nên chú ý, Space News nhận định.

Du hành vũ trụ mang tính thương mại có nhiều điểm tương đồng với du lịch biển sâu: Khách hàng giàu có, không gian chật hẹp, điểm đến xa xôi. Bên cạnh đó, Bloomberg cho biết còn có các điều khoản miễn trừ trách nhiệm, trong đó cảnh báo hành khách rõ rằng họ đang mạo hiểm với cái chết khi đi vào các phương tiện chưa được kiểm soát an toàn đó.

Khi thế giới tìm hiểu điều gì đã xảy ra với con tàu ngầm Titan của Ocean Gate gặp nạn, việc con tàu này không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn đang làm dấy lên hồi chuông cảnh báo.

Các tàu lặn như Titan ít được giám sát an toàn, thậm chí còn ít hơn khi chúng ở vùng biển quốc tế. Hôm 22/6, Tuần duyên Mỹ thông báo tàu lặn Titan đã bị “ép nát” tại khu vực gần xác tàu Titanic, khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng gần như ngay lập tức.

Trong khi đó, các chuyến bay thương mại của con người vào vũ trụ cũng thiếu cơ chế giám sát an toàn. Và trong khi ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân chưa chứng kiến một thảm kịch nào ở quy mô như của OceanGate, rủi ro vẫn còn đó.

Mối lo ngại lớn

“Có một mối lo ngại lớn rằng việc không có các quy định an toàn đó sẽ đồng nghĩa với một số hoạt động mờ ám, không đáng tin cậy, dẫn đến việc khách hàng bị thương hoặc có khả năng thiệt mạng”, tiến sĩ Brian Weeden, Giám đốc lập kế hoạch chương trình của tổ chức phi lợi nhuận Secure World Foundation, chia sẻ.

Theo luật hiện hành của Mỹ, Cục Hàng không Liên bang không thể áp đặt các tiêu chuẩn an toàn đối với tàu vũ trụ thương mại chở người lên vũ trụ. Điều đó có thể thay đổi ngay sau năm nay, trừ khi luật hiện hành được gia hạn.

SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Virgin Galactic Holdings hoặc Blue Origin là những công ty duy nhất hiện cung cấp các chuyến bay du lịch vũ trụ. Những hành khách đều thực hiện những chuyến thám hiểm vũ trụ mang tính thương mại như vậy trên trên cơ sở “informed consent”, trong đó khách hàng đồng thuận sau khi được thông báo rõ về rủi ro.

Những chuyến du lịch thám hiểm không gian đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Ảnh: Reuters.

Điều đó đồng nghĩa họ thừa nhận rằng chính phủ đã không chứng nhận an toàn cho các con tàu vũ trụ thương mại và “việc tham gia chuyến bay vào vũ trụ đó có thể dẫn đến tử vong, thương tích nghiêm trọng hoặc mất toàn bộ hay một phần chức năng thể chất hoặc tinh thần”.

Tuy nhiên, SpaceX đã phát triển con tàu Crew Dragon của họ theo các yêu cầu an toàn của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA), vì họ sử dụng phương tiện này để đưa các phi hành gia của cơ quan này đến Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Cơ sở “informed consent” bắt đầu vào năm 2004, khi một đạo luật áp đặt lệnh cấm đối với Cục Hàng không Liên bang (FAA) liên quan đến không gian thương mại trong 8 năm. Quốc hội Mỹ đã hai lần gia hạn lệnh cấm trong những năm qua, nhưng nó lại hết hạn vào tháng 10 này.

FAA đang hành động để phát triển một khuôn khổ an toàn cho các chuyến bay thương mại của con người vào không gian trước khi lệnh cấm hết hạn, một phát ngôn viên nói.

Hạ nghị sĩ Frank Lucas, Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ Hạ viện Mỹ, hôm 23/4 cho biết họ đang xem xét các quy định về du hành vũ trụ thương mại, nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết cụ thể nào.

“Điều đó rất quan trọng và là một phần đang phát triển của ngành. Để xem chúng ta giải quyết thế nào”, ông nói. Cho đến nay, lý do chính đối với việc thiếu giám sát là việc ngành công nghiệp vũ trụ vẫn đang trong "thời kỳ học hỏi", giống ngành hàng không thương mại trong những năm đầu.

“Nhiều người lo ngại rằng việc áp đặt các quy định an toàn của chính phủ sớm trong quá trình này sẽ bóp nghẹt ngành công nghiệp đó”, tiến sĩ Weeden chia sẻ.

Nên chủ động

Mặc dù Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) không thể áp đặt các tiêu chuẩn an toàn, họ lại chịu trách nhiệm cấp phép cho tất cả lần phóng tàu vũ trụ và hồi quyển. Tuy nhiên, cơ quan này chủ yếu đảm bảo rằng bất kỳ rủi ro liên quan nào sẽ không gây hại cho môi trường, tài sản và người không liên quan.

Cơ chế của du lịch vũ trụ về cơ bản khác với cơ chế của hoạt động thám hiểm biển sâu thương mại. Có điều, các chuyến bay của Blue Origin và Virgin Galactic thực sự không có nguy cơ bị lạc trong hành trình.

Nếu chúng không đi vào quỹ đạo, lực hấp dẫn sẽ nhanh chóng đưa chúng trở lại Trái Đất. SpaceX đưa tàu của mình vào quỹ đạo, nhưng có rất nhiều công nghệ theo dõi để xác định vị trí các vật thể không gian nếu liên lạc bị gián đoạn.

Một con tàu dành cho việc chở khách vào không gian của Blue Origin. Ảnh: AP.

Bên cạnh đó, các công ty vũ trụ cũng thực hiện nhiều thử nghiệm nổi tiếng và thường nhấn mạnh cam kết về an toàn của họ.

Tuy nhiên, rủi ro cũng từng xảy ra. Vào tháng 7/2021, khi Virgin Galactic đưa nhà sáng lập Richard Branson vào vũ trụ, con tàu đã đi chệch khỏi đường bay dự kiến. Bên cạnh đó, năm 2014, một phi công thiệt mạng và một người khác bị thương nặng trong chuyến bay thử nghiệm của Virgin Galactic.

Mới năm ngoái, một tên lửa Blue Origin dành cho việc chở khách đã bị rơi sau khi động cơ của nó bị hỏng. Không có người nào trên chiếc tên lửa này vào thời điểm đó và Blue Origin cho biết các biện pháp an toàn của chuyến bay đó hoạt động như được thiết kế trong trường hợp khẩn cấp.

Khi du lịch vũ trụ phát triển, một số người cho rằng đã đến lúc chấm dứt lệnh cấm ở Mỹ. Ngay cả khi lệnh cấm dỡ bỏ, các quy định sẽ mất thời gian để soạn thảo và thực hiện. Ông George Nield, cựu quản trị viên phụ trách vận tải không gian thương mại tại FAA, cho biết ngành công nghiệp này nên chủ động.

“Tôi rất muốn thấy chính phủ, ngành công nghiệp, giới học giả cùng nhau xem liệu chúng ta có thể đưa ra điều gì đó mà mọi người sẽ đồng thuận hay không”, ông Nield, hiện là chủ tịch của Commercial Space Technologies, cho biết.

Nếu không, một tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra, dẫn đến những lời kêu gọi về các quy định vội vàng và nặng nề. “Điều đó sẽ rất, rất tệ, vì quy định được đưa ra nhanh chóng thường là những quy định tồi tệ”, ông Nield nói thêm.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/tam-diem-chu-y-sau-tham-kich-tau-lan-titan-post1442725.html