'Tam đại tặc vương': Cuộc hội ngộ của ba tài tử Hong Kong

Lâm Gia Đống, Nhậm Hiền Tề và Trần Tiểu Xuân cùng nhau tham gia “Trivisa” - tác phẩm lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật về cuộc đời ba tên trùm tội phạm khét tiếng Hương Cảng.

Năm 1988, một thanh niên dùng súng bắn chết ba cảnh sát mặc thường phục ngay giữa đường phố Hong Kong khi họ định kiểm tra thẻ căn cước của y. Hắn là Quý Chính Hùng (Lâm Gia Đống) - tên tội phạm đang bị truy nã và được giới giang hồ đặt cho biệt danh “Vua trộm”.

Phát súng mở màn bộ phim Tam đại tặc vương cũng là lần cuối cùng Quý Chính Hùng hành động với tên thật. Sau này, cứ mỗi lần tái xuất, hắn lại chọn cho mình một vỏ bọc mới nhằm trốn tránh sự truy lùng của chính quyền.

Tam đại tặc vương là bộ phim lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật, với ba nhân vật chính lần lượt do Lâm Gia Đống, Nhậm Hiền Tề và Trần Tiểu Xuân thể hiện. Ảnh: Media Asia.

Cùng chung số phận bị truy nã với Quý Chính Hùng là Diệp Quốc Hoan (Nhậm Hiền Tề). Nhưng hắn lại chọn con đường khôn ngoan hơn. Sau khi thực hiện phi vụ cướp liên hoàn năm tiệm vàng đầy táo tợn bằng súng AK, tên tội phạm cùng đàn em đào tẩu sang Trung Quốc đại lục để kinh doanh hàng buôn lậu.

Thay vì sống chui lủi như họ Quý, Diệp Quốc Hoan thản nhiên trở thành giám đốc Trương, với vỏ bọc là ông chủ một cửa hàng bán đồ điện tử.

“Một cõi không thể có hai vua”. Nhưng ngoài Quý Chính Hùng và Diệp Quốc Hoan, giới xã hội đen Hong Kong những năm đầu thập niên 1990 còn “tôn vinh” một nhân vật khét tiếng nữa là Trác Tử Cường (Trần Tiểu Xuân).

Khác với hai kẻ còn lại, họ Trác không cướp cũng không trộm. Hắn chuyên bắt cóc con tin để tống tiền. Nhưng tiền bạc dường như không phải là mục đích chính của Trác Tử Cường, bởi hắn luôn xem chuyện phạm pháp như một thú tiêu khiển. Sau khi “mất hứng” trong việc bắt cóc tống tiền, họ Trác nung nấu ý định thực hiện một điều gì đó to lớn.

Câu chuyện của Tam đại tặc vương xảy ra chủ yếu vào năm 1997. Ngay trước thềm Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, Trác Tử Cường muốn đi tìm hai tên “đại tặc” đang mai danh ẩn tích để thực hiện phi vụ để đời.

Công lao lớn của Đỗ Kỳ Phong

Tam đại tặc vương là dự án điện ảnh mà Đỗ Kỳ Phong - đạo diễn chuyên trị dòng phim hình sự và xã hội đen Hong Kong, đóng vai trò nhà sản xuất. Ông được nghe kể về câu chuyện hợp tác giữa ba tên tội phạm nổi tiếng nên ấp ủ làm phim xoay quanh sự kiện thú vị ấy.

Song, Đỗ Kỳ Phong không trực tiếp làm đạo diễn cho Tam đại tặc vương, mà giao dự án cho ba gương mặt từng giành chiến thắng trong Liên hoan phim ngắn Fresh Wave do ông khởi xướng từ năm 2005.

Sự nhuần nhuyễn trong cách kể chuyện khiến người ta khó có thể tin rằng Tam đại tặc vương lại do ba đạo diễn trẻ thực hiện độc lập lúc ban đầu. Sau đó, họ đã mất gần một năm để cùng nhau cắt dựng nên sản phẩm hoàn chỉnh. Ảnh: Media Asia.

Những cái tên được chọn bao gồm Hứa Học Văn (thắng giải Phim hay nhất năm 2005), Âu Văn Kiệt (thắng giải Phim hay nhất năm 2006) và Hoàng Vĩ Kiệt (thắng giải Quay phim xuất sắc năm 2010). Họ lần lượt đảm nhận câu chuyện của những Quý Chính Hùng, Diệp Quốc Hoan và Trác Tử Cường.

Đây là ý tưởng rất táo bạo đến từ Đỗ Kỳ Phong, bởi Tam đại tặc vương mới là tác phẩm điện ảnh dài đầu tay của cả ba nhà làm phim trẻ trên cương vị đạo diễn. Mỗi người được giao cho một kịch bản độc lập ứng với nhân vật, rồi sau đó họ phải tự tìm cách trao đổi nhằm điều tiết toàn bộ tác phẩm.

Trả lời báo chí Hong Kong, Đỗ Kỳ Phong từng thừa nhận rằng chính nhiệt huyết của ê-kíp đạo diễn trẻ đã tạo ra thành công cho Tam đại tặc vương. Phần dựng phim là quá trình hết sức công phu, bởi thời lượng tác phẩm tuy chỉ dài 90 phút nhưng phải cần đến gần một năm để chắp nối.

Sự kỳ công của ê-kíp giúp tạo ra mạch phim nhuần nhuyễn, không hề có chi tiết thừa thãi. Thậm chí, nếu không đọc trước thông tin về bộ phim, nhiều người khó có thể nghĩ rằng Tam đại tặc vương lại do ba đạo diễn cùng nhau thực hiện theo hướng độc lập lúc ban đầu như thế.

Cuộc hội ngộ của ba tài tử hạng A

Nếu như các bộ phim của Đỗ Kỳ Phong chú trọng vào phần hành động, thường có những trường đoạn bùng nổ tột độ ở đoạn kết, thì Tam đại tặc vương qua lối dẫn truyện của ba nhà làm phim trẻ lại mang màu sắc trái ngược.

Điểm sáng của tác phẩm không nằm ở những pha hành động ít ỏi, mà là diễn biến tâm lý và cách xây dựng tính cách các nhân vật.

Ba tên tội phạm trong phim giống như những nhân vật phản anh hùng (anti-hero). Chúng không mang nặng tình nghĩa như nhiều gã giang hồ trong phim Hong Kong. Cả ba đều trần trụi, không khoan nhượng, giống như những kẻ lang bạt với cuộc sống chỉ toàn dư vị đắng chát.

Cùng nhau xuất hiện trong Tam đại tặc vương, Lâm Gia Đống, Nhậm Hiền Tề và Trần Tiểu Xuân không khỏi khiến khán giả cảm thấy bùi ngùi về quãng thời gian hoàng kim của điện ảnh Hong Kong trước đây. Ảnh: Media Asia.

Trái ngược với sự mới mẻ trên ghế đạo diễn, nhóm tài tử sắm vai chính trong phim đều là các gương mặt rất đỗi quen thuộc với những ai thường xuyên theo dõi điện ảnh hoặc truyền hình Hong Kong: Lâm Gia Đống, Nhậm Hiền Tề và Trần Tiểu Xuân.

Cả ba đều có thâm niên diễn xuất kéo dài hơn 20 năm. Cũng giống như ba “đại tặc” trong phim, họ là những gương mặt giải trí nổi bật tại xứ Hương Cảng từ cuối thập niên 1990. Cuộc hội ngộ bất ngờ ở Tam đại tặc vương của nhóm ngôi sao là minh chứng cho câu nói “gừng càng già càng cay”.

Người xem nay được gặp lại một Lâm Gia Đống lạnh lùng, ít nói, nhưng khi đã ra tay thì vô cùng tàn nhẫn trong vai Quý Chính Hùng; một Nhậm Hiền Tề lãnh đạm, nhún nhường đúng kiểu “quân tử rơm” trong vai Diệp Quốc Hoan; và một Trần Tiểu Xuân mạnh mồm, lớn tiếng, không sợ trời đất khi khắc họa vai Trác Tử Cường.

Sự xuất hiện của ba ngôi sao trong cùng một dự án điện ảnh có thể khiến nhiều khán giả không khỏi cảm thấy hoài cổ, có chút bùi ngùi về thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hong Kong trong quá khứ.

Câu chuyện mang nặng âm hưởng của Phật pháp

Nhan đề Tam đại tặc vương chủ ý gợi nhắc người xem đến lời răn dạy của Đức Phật về tam độc - ba tính xấu có thể hủy hoại cuộc đời mỗi con người. Đó là tham (tham dục), sân (sân hận), si (ngu si).

Theo đó, câu chuyện của Quý Chính Hùng đại diện cho “tham”, bởi hắn vì tiền mà bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, ngay cả việc ra tay sát hại đồng minh.

Diệp Quốc Hoan đại diện cho “sân”, bởi hắn không biết kiềm chế cơn tức giận, luôn giữ oán hận trong lòng và tìm cách trả thù. Cuối cùng, Trác Tử Cường đại diện cho “si”, bởi hắn là kẻ vô minh, không phân biệt được phải trái, cứ thế đâm đầu vào con đường tội lỗi chỉ để thỏa mãn cái tôi ích kỷ.

Từng câu chuyện nhỏ và toàn bộ nội dung của Tam đại tặc vương khiến người xem liên tưởng đến Phật pháp. Ảnh: Media Asia.

Xuyên suốt bộ phim, những tư tưởng Phật giáo như luật nhân quả, ác giả ác báo… liên tục trở thành “chất bán dẫn”, kết nối đường dây ba câu chuyện. Các nhân vật tuy liên tục thay đổi danh tính, ngao du khắp nơi, nhưng rốt cuộc vẫn quay trở về Hong Kong như định mệnh đã an bài.

Dường như chính xã hội rối ren là nguyên nhân sâu xa đẩy họ đi đến bước đường cùng. Quý Chính Hùng ôm mộng làm giàu bằng cách bán điện thoại di động ở Trung Quốc, nhưng vẫn tìm cách cướp một tiệm vàng nhỏ ở Hong Kong chỉ vì lợi ích trước mắt, như hắn bào chữa rằng: “Thời buổi này rất khó kiếm tiền”.

Diệp Quốc Hoan chọn con đường làm ăn lâu dài, nhưng lại liên tục bị giới quan chức nhà nước chèn ép, chà đạp. Còn giới cảnh sát dưới con mắt của Trác Tử Cường thì chỉ là những kẻ bất tài vô dụng, khiến hắn càng có cớ tự do tung hoành.

Từng chi tiết nhỏ giúp người xem được chiêm ngưỡng phần nào bức tranh xã hội Hong Kong đầy rối ren trước thời khắc lịch sử năm 1997.

Sự rối ren của xã hội Hong Kong trước thời khắc "đổi màu" năm 1997 được khắc họa rất tinh tế trong Tam đại tặc vương. Ảnh: Media Asia.

Trên thực tế, xã hội Hong Kong vẫn luôn tiềm ẩn những bất ổn, ngay cả ở thời điểm hiện tại. Nhưng điện ảnh nơi đây thì từng có quãng thời gian hoàng kim với những Ngô Vũ Sâm hay Châu Tinh Trì, để rồi dần trở nên sa sút, thậm chí ép vế trước điện ảnh Hàn Quốc hiện tại.

Sự xuất hiện của Tam đại tặc vương với ba gương mặt đạo diễn trẻ giống như một luồng sinh khí mới, được thổi đến đến cho nền công nghiệp điện ảnh Hương Cảng. Tác phẩm chẳng khác nào thứ “trái ngọt” mà Đỗ Kỳ Phong thu gặt được sau hơn một thập kỷ nuôi dưỡng chương trình Fresh Wave.

Ở một khía cạnh khác, Tam đại tặc vương là tấm “thị thực” cần thiết để những Hứa Học Văn, Âu Văn Kiệt và Hoàng Vĩ Kiệt chính thức bước chân vào nền công nghiệp điện ảnh, đồng thời giúp công chúng có quyền hy vọng được trông thấy nền điện ảnh Hong Kong hưng thịnh trở lại trong tương lai không xa.

Bộ phim nhận được nhiều đề cử quan trọng tại giải thưởng Kim Mã 2016, trong đó có Phim truyện, Kịch bản gốc, Dựng phim Đạo diễn trẻ xuất sắc.

Zing.vn đánh giá: 4,5/5

Sơn Phước

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tam-dai-tac-vuong-cuoc-hoi-ngo-cua-ba-tai-tu-hong-kong-post688794.html