Tài xế trốn đo nồng độ cồn bị xử lý thế nào?

Theo quy định hiện hành, tài xế không chấp hành đo nồng độ cồn sẽ bị xử phạt mức kịch khung và có thể bị xử lý hình sự.

Bạn đọc Nguyễn Thế Tới (Hiệp Hòa, Bắc Giang) hỏi: Thời gian qua, khi lực lượng CSGT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, không ít tài xế đã không chấp hành, có trường hợp đã bỏ xe rồi chạy trốn khỏi hiện trường.

"Xin hỏi những trường hợp trốn đo nồng độ cồn thì bị xử lý thế nào?", bạn Tới nói.

Hành vi trốn đo nồng độ cồn bị xử phạt mức cao nhất.

Trả lời nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt ở mức khung cao nhất.

Đối với người điều khiển ô tô thì mức phạt cao nhất có thể đến 40 triệu đồng, đối với xe máy là 8 triệu đồng.

Cụ thể, khi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.

Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì người điều khiển phương tiện giao thông nên chấp hành đúng theo quy định.

"Việc không chấp hành đo nồng độ cồn không chỉ bị phạt mức cao nhất, nếu cố tình không chấp hành, cản trở lực lượng CSGT đo nồng độ cồn thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ tại điều 330 Bộ luật Hình sự 2015" ông Lực thông tin.

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm: Có tổ chức; phạm tội hai lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tai-xe-tron-do-nong-do-con-bi-xu-ly-the-nao-192240205090325835.htm