Tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai: Tập kết đất phế thải để… trồng cây

Thời gian gần đây, báo Kinh tế & Đô thị liên tục nhận được thông tin phản ánh việc một số trường hợp đổ đất phế thải và phế thải xây dựng san lấp khu vực Ao Cá, thôn Mỹ (gần cầu Khe Tang), xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.

Đề án một đằng làm một nẻo

Tìm hiểu được biết, xác định một số xứ đồng khi triển khai dự án xây dựng đô thị, đường giao thông không thu hồi hết đất khiến một số vị trí trở thành đất xen kẹt, trũng, canh tác không hiệu quả nên năm 2016, UBND xã đã xây dựng Đề án (ĐA) chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các thôn. Ngày 10/1/2017, UBND huyện có Quyết định số 36/QĐ-UBND phê duyệt ĐA chuyển đổi cơ cấu cây trồng của 4 thôn trong xã Cự Khê. ĐA nêu rõ, về phần đất san lấp phải đảm bảo đất pha cát hoặc đất thịt nhẹ. Nguồn vốn đầu tư thuê đơn vị san lấp do người dân và thôn tự bố trí. Quá trình thực hiện ĐA, Phòng Kinh tế, Phòng TN&MT, Đội Thanh tra xây dựng có trách nhiệm giám sát thực hiện. Đến nay, đã có thôn Mỹ và thôn Khúc Thủy triển khai san lấp gần 12ha ở 10 xứ đồng, vị trí, trong đó có khu vực Ao Cá với khoảng 1ha.

Hàng chục mét khối đất phế thải và phế thải xây dựng đã được san lấp xuống khu Ao Cá, thôn Mỹ.

Hàng chục mét khối đất phế thải và phế thải xây dựng đã được san lấp xuống khu Ao Cá, thôn Mỹ.

Tuy nhiên, do trong quá trình thực hiện, các phòng, ban và UBND xã không giám sát thường xuyên nên cán bộ thôn, người dân và đơn vị thi công đã tập kết hàng chục mét khối đất phế thải và phế thải xây dựng san gạt làm nền ruộng. Chỉ đến khi phóng viên phát hiện vi phạm và đặt lịch làm việc với UBND huyện, thì ngày 17/2, UBND xã tức tốc cho san gạt hết những “núi” đất xuống ruộng. Quá trình điều tra còn được biết, cuối năm 2014, UBND xã đã triển khai xong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại thôn Cự Đà và thôn Thượng. Khi triển khai cũng đổ đất phế thải xuống dưới, sau đó mới đổ lớp đất màu lên trên. Và đến nay, khi triển khai ĐA tại các thôn còn lại cũng áp dụng “bài cũ”.

Rút kinh nghiệm

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương cho biết, do UBND xã không giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện ĐA nên mới để xảy ra việc người dân và cán bộ thôn tự ý tập kết đất phế thải và phế thải xây dựng về san lấp ở dưới làm cốt tạo mặt bằng trồng cây rau màu. Tuy nhiên, “việc làm này sẽ khiến cho cây rau màu về sau phát triển không ổn định. Để xảy ra sự việc, có phần trách nhiệm của UBND xã. Do vậy, UBND xã xin rút kinh nghiệm không để tái diễn vi phạm nữa” - ông Phương nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã Cự Khê cùng các phòng chuyên môn vào cuộc xử lý dứt điểm, không để tái diễn vi phạm. Thời gian tới, hàng ngày, các phòng chuyên môn và UBND xã phải bố trí cán bộ thường xuyên có mặt để giám sát đơn vị thi công, người dân và thôn thực hiện san lấp mặt bằng. Ông Bùi Văn Sáng khẳng định: “UBND huyện đã yêu cầu UBND xã cùng thôn khắc phục, thu dọn đất phế thải và phế thải xây dựng đi nơi khác, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Bài, ảnh: Nguyễn Trường

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tai-xa-cu-khe-huyen-thanh-oai-tap-ket-dat-phe-thai-de-trong-cay-281069.html