Tại sao xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata chưa tham chiến ở Ukraine?

Cuộc xung đột tại Ukraine đã ghi nhận sự xuất hiện của những loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tiên tiến của cả phương Tây và Nga, cùng với đó cũng là sự 'góp mặt' của các loại vũ khí chống tăng uy lực và mạnh mẽ.

Đây có thể coi là nơi “thử lửa” tốt nhất của dòng MBT T-14 Armata của Nga, vốn nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên gia quân sự quốc tế. Thế nhưng theo tuyên bố chính thức của giới chức công nghiệp quốc phòng Nga, dòng MBT này sẽ không tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Vậy tại sao Nga lại không đưa MBT T-14 Armata tham chiến? Tất cả đều có lý do.

“Hiện đại đi liền với hại điện”

Hôm 4-3, hãng thông tấn RIA Novosti đăng tải, ông Sergey Chemezov, Chủ tịch Tập đoàn quốc phòng quốc doanh Rostec của Nga tuyên bố, MBT tiên tiến T-14 Armata đã được biên chế cho Quân đội Nga, nhưng sẽ không được triển khai tới Ukraine. Ông Sergey Chemezov tuyên bố lý do dẫn đến việc này là do việc sản xuất xe tăng T-14 Armata trên quy mô lớn đã bị hạn chế do giá thành đắt đỏ.

Giá thành đắt đỏ, công nghệ phức tạp và nguy cơ lộ lọt công nghệ là những lý do chính khiến T-14 Armata không xuất hiện tại Ukraine. Ảnh: Getty

Theo lời ông Sergey Chemezov, T-14 Armata có tính năng kỹ-chiến thuật vượt trội so với các xe tăng hiện đại trên thế giới, nhưng do giá thành quá cao nên khó có thể được sử dụng trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Tuyên bố của ông Sergey Chemezov hoàn toàn có cơ sở về mặt kỹ thuật và kinh tế. Dù giá thành của mỗi MBT T-14 chưa bao giờ được phía Nga công bố chính thức, nhưng theo tính toán của giới chuyên gia phương Tây, MBT T-14 Armata có giá 5-9 triệu USD mỗi chiếc, cao hơn đáng kể so với các mẫu MBT hiện tại của Quân đội Nga đang sử dụng. Cụ thể, biến thể T-72B3 có giá từ 750.000 đến 1,2 triệu USD mỗi chiếc, T-80BVM là khoảng 3 triệu USD và T-90M là khoảng 4,5 triệu USD.

Điều này còn chưa tính tới việc T-14 là dòng xe tăng hoàn toàn mới. Dây chuyền sản xuất linh kiện và các yếu tố cấu thành chưa đạt được hiệu suất cao như quy trình sản xuất và lắp ráp các xe tăng truyền thống. Theo nhiều nguồn tin, Quân đội Nga hiện mới được biên chế 20 xe tăng T-14 theo hợp đồng đặt mua 100 xe và con số này không có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian sắp tới.

Tờ Topwar đánh giá, MBT T-14 thực tế vẫn đang trong giai đoạn tiền sản xuất. Chúng vẫn đang được hiệu chỉnh và nâng cấp dựa trên kinh nghiệm chiến đấu tại Ukraine. Những yếu tố về giá thành và vấn đề kỹ thuật còn tồn tại là một trong những trở ngại lớn khiến T-14 chưa được trang bị đại trà, cũng như đưa vào sử dụng trong chiến đấu tại Ukraine.

Thực tế, từ tháng 4-2023, xe tăng T-14 đã không ít lần được đưa ra mặt trận tại Ukraine, nhưng theo quy mô thử nghiệm công nghệ và hoàn toàn bí mật.

MBT T-14 từng xuất hiện tại Ukraine, nhưng để thử nghiệm công nghệ và hỏa lực. Ảnh: Lenta

Nguy cơ lộ lọt những công nghệ bí mật

Chiến trường Ukraine đã chứng minh vũ khí chống tăng truyền thống đang vượt trội so với công nghệ của xe tăng hiện đại. Sự xuất hiện của các loại tên lửa chống tăng có sức xuyên hơn 1m thép đồng nhất, công nghệ tấn công đột nóc hay mới đây nhất là sự xuất hiện rộng rãi của thiết bị bay không người lái tự sát... có đủ khả năng phá hủy các xe tăng hiện đại nhất.

Những công nghệ vũ khí chống tăng nói trên đã minh chứng được hiệu quả khi lần lượt các dòng MBT hiện đại như Leopard-2A6, Challenger-2, M1 Abrams, T-72BM-3, T-80BVM hay T-90M đều bị hạ gục.

Chưa tính tới khả năng bị bắn cháy, chỉ cần các vũ khí chống tăng khiến T-14 bị bất động, kíp lái phải bỏ xe cũng đã tạo nguy cơ MBT hiện đại này bị Ukraine và phương Tây thu giữ để nghiên cứu.

Điều này từng được minh chứng thực tế tại chiến trường Ukraine, khi nhiều loại khí tài hiện đại bị bỏ lại trong chiến đấu đã bị thu giữ và chuyển về hậu phương nghiên cứu như xe tăng T-90M hay các loại khí tài phương Tây như pháo tự hành Ceasar, xe chiến đấu Bradley hay xe tăng Leopard-2.

Một điều quan trọng khác khiến MBT T-14 không ra chiến trường chính là việc Quân đội Nga hiện có nhiều sự lựa chọn dù không quá hiện đại như Armata, nhưng rẻ hơn và dễ sản xuất hơn.

Chính ông Sergey Chemezov cũng thừa nhận, điều quan trọng bây giờ là phải tối ưu hóa chi phí và cung cấp cho lực lượng vũ trang Nga những thiết bị hiệu quả với giá thành phải chăng.

"Chúng tôi cần ngân sách để phát triển xe tăng mới, vũ khí mới, có thể là những loại giá thành thấp hơn", ông Sergey Chemezov nhấn mạnh.

Chiến trường Ukraine đang rất nguy hiểm đối với các dòng MBT hiện đại, trong đó có cả T-14 Armata. Ảnh: RIAN

"Trên thực tế, xe tăng T-14 Armata khá đắt đỏ. Về mặt chức năng, nó vượt trội các xe tăng hiện nay trên thế giới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, những chiếc T-90 sẽ là giải pháp thích hợp hơn", ông Sergey Chemezov cho biết.

Tuyên bố của ông Sergey Chemezov hoàn toàn hợp lý với điều kiện của Nga hiện tại khi cần sử dụng hợp lý nguồn lực và chuẩn bị tốt nhất cho mọi kịch bản leo thang của cuộc xung đột.

Mặt khác, những chiến lệ trong lịch sử đã chứng minh, những loại vũ khí rẻ tiền, sản xuất quy mô lớn và dễ sử dụng mới là yếu tố cần thiết cho chiến tranh. Trong Chiến tranh thế chiến lần thứ 2, trong khi Đức chỉ chế tạo được chưa tới 2.000 xe tăng Tiger các phiên bản, thì Mỹ và Liên Xô đã sản xuất tới hàng chục nghìn chiếc T-34 và M4 Sherman. Thế nên dù có tính năng vượt trội, xe tăng Tiger vẫn bị áp đảo trên chiến trường.

Chính vì những lý do trên khó có thể thấy xe tăng T-14 xuất hiện một cách chính thức trên chiến trường Ukraine, ngoài các hoạt động thử nghiệm công nghệ và vũ khí.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-xe-tang-chien-dau-chu-luc-t-14-armata-chua-tham-chien-o-ukraine-767600