Tại sao Thụy Điển và Đan Mạch không ngăn được các vụ đốt kinh Koran?

Một loạt vụ báng bổ công khai cuốn kinh Koran của người Hồi giáo ở Thụy Điển và Đan Mạch đã khiến các quốc gia Bắc Âu trở thành mục tiêu phẫn nộ của nhiều người theo đạo Hồi, làm căng thẳng quan hệ ngoại giao và làm tăng nguy cơ khủng bố.

Biểu tình tại Kufa, Iraq ngày 21/7 để phản đối hành vi đốt kinh Koran. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bloomberg ngày 2/8, các chiến dịch trong thế giới Hồi giáo đã tiếp tục thổi bùng ngọn lửa tức giận nhằm vào Thụy Điển. Khả năng nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bị đe dọa. Chính phủ Thụy Điển và Đan Mạch đang xem xét các lựa chọn pháp lý để chặn các hành vi công cộng đe dọa đến an ninh quốc gia, nhưng phạm vi hành động của giới chức hai nước này bị hạn chế do các hành vi này được bảo vệ theo hiến pháp vì liên quan quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp.

Việc đốt kinh Koran bắt đầu như thế nào?

Cuộc tranh luận về vai trò của Hồi giáo ở khu vực Scandinavia đã diễn ra trong nhiều thập kỷ khi các làn sóng nhập cư liên tiếp kéo theo số lượng người Hồi giáo ngày càng tăng. Song song với các làn sóng đó, các phong trào dân tộc chủ nghĩa đã đạt được ảnh hưởng chính trị ở cả Đan Mạch và Thụy Điển. Những người ủng hộ cấp tiến đã chuyển sang đối đầu và khiêu khích để làm phương tiện nâng cao vị thế. Trước đó, một nhân vật kích động cực hữu người Đan Mạch gốc Thụy Điển tên là Rasmus Paludan đã tổ chức một số vụ đốt kinh Koran, nhưng chính sự kiện vào tháng 1/2023 đã khiến người này và Thụy Điển trở thành tâm điểm trên toàn cầu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lấy lý do hành vi xúc phạm công khai kinh Koran này là lý do để ngăn Thụy Điển gia nhập NATO. Sau đó, một số người khác ở Thụy Điển đã tham gia phong trào. Họ nộp đơn để yêu cầu đốt kinh Koran, Kinh thánh và Ngũ Thư dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Vào tháng 6 và tháng 7, các vụ đốt kinh Koran công khai do một người đàn ông Iraq đến Thụy Điển năm 2018 tổ chức đã gây ra một làn sóng phản đối mới.

Tại sao cảnh sát không thể cấm đốt kinh Koran?

Các cơ quan thực thi pháp luật của Thụy Điển đã tìm cách ngăn chặn những hành động như vậy với lý do chúng có thể làm tăng nguy cơ khủng bố, nhưng những lập luận đó đã bị tòa án bác bỏ.

Các thẩm phán đã ra phán quyết rằng cho dù thông điệp chính trị được truyền tải là gì, thì vẫn phải cho phép và bảo vệ các cuộc biểu tình trừ khi các hành vi này tạo thành mối đe dọa trực tiếp và tức thì đối với an toàn công cộng.

Cảnh sát Đan Mạch cũng bị pháp luật cản trở tương tự và chỉ có thể ngăn chặn các cuộc biểu tình trong những trường hợp cực đoan khi có mối đe dọa bạo lực ngay lập tức.

Nguyên do của diễn biến nói trên là Thụy Điển đã bãi bỏ luật cấm báng bổ có từ nhiều thế kỷ vào năm 1970 và Đan Mạch bãi bỏ vào năm 2017. Cả hai quốc gia hiện dựa vào luật cấm ngôn từ kích động thù địch để thiết lập ranh giới cho quyền tự do ngôn luận. Ở Thụy Điển, những người đốt kinh Koran đã bị điều tra vì phát ngôn thù địch, nhưng không có cáo buộc nào được đưa ra.

Hậu quả là gì?

Những người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, Iraq ngày 20/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại sứ quán Thụy Điển ở Iraq đã bị tấn công vào tháng 7 và vụ việc đã dẫn đến căng thẳng ngoại giao với một số quốc gia Hồi giáo khác.

Việc đốt kinh Koran cũng làm phức tạp thêm tình hình khi Thụy Điển muốn gia nhập NATO. Thụy Điển vẫn đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO như đã hứa và Hungary cũng chưa chính thức đồng ý để nước này làm thành viên NATO.

Thụy Điển đã cảnh báo rằng mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố đã gia tăng trong bối cảnh khắp thế giới Hồi giáo đang phẫn nộ. Các quan chức Thụy Điển cho rằng các tác nhân nước ngoài đang tìm cách khẳng định rằng Thụy Điển là một quốc gia ủng hộ báng bổ kinh Koran.

Tại Đan Mạch, diễn biến này đã làm dấy lên nỗi ám ảnh, lo sợ lặp lại cuộc khủng hoảng ngoại giao và phong trào tẩy chay rộng rãi đối với hàng hóa của Đan Mạch sau khi một tờ báo Đan Mạch đăng 12 bức vẽ biếm họa nhà tiên tri Muhammad vào năm 2005.

Các chính phủ Bắc Âu có những lựa chọn nào?

Cả Đan Mạch và Thụy Điển đã tìm cách tránh liên quan tới các hành vi xúc phạm càng nhiều càng tốt, đồng thời lên án các hành động đó. Cả hai chính phủ cũng đã chỉ ra rằng họ sẵn sàng xem xét các biện pháp pháp lý.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết chính phủ của ông cũng đang xem xét thay đổi luật về trật tự công cộng để cho phép cảnh sát ngăn chặn các hành vi khiêu khích có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Về phần mình, chính phủ Đan Mạch nói họ muốn can thiệp vào các tình huống mà các quốc gia, nền văn hóa và tôn giáo khác bị xúc phạm và điều này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đáng kể cho Đan Mạch.

Một số chuyên gia pháp lý đã đề xuất rằng cần phải áp dụng lại luật cấm báng bổ để cấm đốt kinh Koran. Những người khác cho rằng nên mở rộng bộ luật hình sự của Đan Mạch, cấm chế giễu cả các đối tượng tôn giáo quan trọng khác. Luật này vốn đã nghiêm cấm công khai chế giễu quốc kỳ của một quốc gia nước ngoài hoặc biểu tượng quốc gia khác.

Hành vi đốt kinh Koran có xảy ra ở những nơi khác không?

Hành vi nay hầu như không xảy ra nơi khác, mặc dù đã có những ví dụ lẻ tẻ về mạo phạm công khai kinh Koran ở các quốc gia như Na Uy, Hà Lan và Mỹ. Mặc dù nhiều nước châu Âu đã bãi bỏ luật cấm báng bổ, nhưng một số nước đã sử dụng luật về an ninh và trật tự công cộng để ngăn chặn hành vì đốt kinh Koran.

Tại Na Uy, năm nay, cảnh sát đã ngăn chặn một cuộc biểu tình đốt kinh Koran với lý do an ninh. Tại Pháp, nơi luật cấm báng bổ đã bị bãi bỏ vào năm 2016, Paludan đã bị giam giữ và trục xuất vào năm 2020 vì kế hoạch đốt kinh Koran của ông này sẽ gây rối trật tự công cộng.

Ở Anh và xứ Wales, luật cấm báng bổ đã bị bãi bỏ vào năm 2008 nhưng xúc phạm kinh Koran và các thánh thư khác có thể bị trừng phạt theo luật cấm kích động hận thù tôn giáo. Ở các quốc gia khác, như Đức, Italy, Ba Lan và Phần Lan, phỉ báng tôn giáo vẫn là một tội hình sự.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tai-sao-thuy-dien-va-dan-mach-khong-ngan-duoc-cac-vu-dot-kinh-koran-20230803113917421.htm