Tại sao phương Tây chấp nhận tự ‘chui đầu’ vào ‘rọ’ của Iran?

Dù biết “chiêu trò” quen thuộc của Iran trước mỗi vòng đàm phán nhưng Tổng thống Obama và giới chức châu Âu vẫn giả làm ngơ bởi họ đã có toan tính riêng của mình.

2 'cây chùy' của Iran

Câu giờ quen thuộc?

Bầu không khí căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân Iran bỗng chốc được xua tan phần nào khi Tehran bất ngờ tuyên bố cho phép các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hiệp Quốc tiếp cận với khu quân sự Parchin, nằm cách Thủ đô Tehran 30 km về phía Đông Nam, nơi bị IAEA nghi ngờ có hoạt động liên quan chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.

Không chút do dự, Mỹ cùng 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức (P5+1) lập tức tuyên bố chấp thuận đề xuất nối lại đàm phán hạt nhân trước đó của Iran.

Trưởng ban chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Catherine Ashton, đại diện của nóm P5+1 bày tỏ hy vọng Iran sẽ bước vào một quá trình đối thoại tích cực để mang lại những bước tiến mới trong chương trình hạt nhân của nước này.

"Mục tiêu của chúng tôi là một biện pháp toàn diện, lâu dài nhằm khôi phục lòng tin của quốc tế vào chương trình hạt nhân hoàn toàn vì mục đích hòa bình của Iran", bà Ashton nhấn mạnh.

Cũng theo bà Ashton, thời gian và địa điểm nối lại đàm phán đang được hai bên thảo luận trong khi các thanh sát viên IAEA nói rằng họ muốn trở lại Iran càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, giới chức Mỹ và phương Tây đã quá vội vàng khi phản hồi một cách tích cực với đề xuất của Iran.

Theo họ, những chuyên gia đàm phán của Iran nổi tiếng là "phức tạp", nên việc họ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán không có nghĩa là sẵn sàng nhượng bộ. Chưa kể một số chuyên gia còn cho rằng, Tehran đồng ý đàm phán chẳng qua là để kéo dài thời gian.

“Đây hoàn toàn không phải sự thay đổi lập trường cứng rắn của Tổng thống Ahmadinejad mà đơn giản là trò chơi mèo vờn chuột mà Iran đã nhiều lần áp dụng”, Mohsen M. Milani, giáo sư chính trị học tại ĐH Nam Florida nhận định.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nhượng bộ để đàm phán chỉ là chiêu câu giờ quen thuộc của Iran. Ảnh: FARS.

Ông nói rõ thêm rằng, với việc nâng từng cấp các vòng đối thoại mà mỗi vòng đều có thể kéo dài, bế tắc, thậm chí đổ vỡ bất kỳ lúc nào thì không ai có thể chắc chắn về tương lai tiến trình hòa đàm. Trong thời gian đó, Iran có thể âm thầm làm giàu uranium ở hàng loạt cơ sở bí mật mà phương Tây không hề hay biết.

Chia sẻ quan điểm này, một chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân nhận xét, Iran vốn có “bề dày lịch sử” chấp nhận đàm phán hoặc tỏ ra nhượng bộ mỗi khi cảm thấy bị đe dọa song sau đó mọi chuyện lại rơi vào bế tắc. “Thái độ thiện chí lần này chắc chắn không phải trường hợp ngoại lệ”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Giải thích thêm về động cơ “xuống nước” mới nhất này của Iran, chuyên gia trên cho rằng, Tehran đang lo sợ “già néo đứt dây”, theo đó, sự quá đà của quốc gia Hồi giáo sẽ “kéo căng” sự kiên nhẫn của Mỹ và phương Tây, dẫn đến “những hành động không thể kiểm soát” của Israel.

Bên cạnh đó, “dạ dày” của nền kinh tế Iran cũng đang ở trạng thái nhạy cảm và có thể bị bóp lại bất cứ lúc nào bởi các lệnh trừng phạt liên tiếp của phương Tây. Theo đó, Iran hy vọng đàm phán sẽ giúp giảm nhẹ sức ép của các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như cân bằng đối trọng.

Vì vậy, chuyên gia này quả quyết: “Lại thêm một cú lừa cũ rích để rồi khiến phương Tây phải chưng hửng, trong khi Iran lại có thêm cơ hội tiến xa hơn trong chương trình hạt nhân của mình”.

Đối thoại giữa EU và Iran về vấn đề hạt nhân trong những năm trở lại đây không đạt được nhiều hiệu quả, vòng đàm phán gần nhất vào tháng 1/2011 cũng kết thúc bất thành do các cường quốc cố bám giữ lập trường đòi Iran phải chấm dứt việc làm giàu uranium trên lãnh thổ của mình.

Hóa giải thông minh

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, chắc chắn Tổng thống Mỹ Obama cũng như các đồng nghiệp châu Âu không phải không biết “cái bẫy” đang “sờ sờ” trước mặt mình.

Vấn đề ở chỗ là họ đang muốn sử dụng chính cái bẫy đó để hóa giải thế khó của mình, đặc biệt là đối với ông Obama. Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng năm 2008, đây là lần đầu tiên ông Obama bị kẹt cứng giữa hai luồng quan điểm trái chiều xung quanh việc nên hay không nên tấn công Iran.

Những người theo trường phái thứ nhất (đồng ý tấn công Iran) cho rằng giờ là thời điểm nước Mỹ cần phải hành động để ngăn chặn nguy cơ Tehran có thể tiến tới khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, những người theo trường phái thứ 2 (chưa muốn tấn công Iran ngay) thì lại lập luận rằng một hành động phủ đầu từ Israel sẽ gây ra những phản ứng dữ dội từ nhà nước Hồi giáo, kích hoạt tình trạng rối loạn trong khu vực, đẩy giá dầu leo thang và quan trọng nhất là sẽ kéo Washington vào một cuộc chiến tranh mới.

Bản thân ông Obama dường như ngả theo quan điểm thứ 2 khi tuyên bố ông tin vẫn còn một "cánh cửa" cho các biện pháp ngoại giao và trong những tuần và tháng tiếp theo không cần phải bàn thảo về việc sử dụng vũ lực để ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy khi các ứng viên Tổng thống thuộc phe Cộng hòa ráo riết đề cập đến khả năng tấn công Iran như một chiêu bài tranh cử và đặc biệt là đồng minh Israel đang tỏ ra mất bình tĩnh.

Trong cuộc gặp mới đây, bất chấp những lời can ngăn của Tổng thống Obama, Thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu thẳng thắn tuyên bố, Tel Aviv phải làm chủ số phận của mình và sẽ tấn công khi thấy phù hợp.

Để thể hiện sự nghiêm túc trong quyết định của mình, giới chức Israel những ngày gần đây còn liên tục loan tin về kế hoạch tấn công phủ đầu Iran, khiến ông Obama không thể không tính đến viễn cảnh Tel Aviv đơn phương phát động chiến tranh, buộc Washington phải vào “thế đã rồi” và không còn cách nào khác là tham chiến cùng đồng minh.

Tuy nhiên, viễn cảnh đó quả thực quá khó khăn với Mỹ. Nền kinh tế với tốc độ phục hồi yếu ớt của Mỹ sẽ khó có thể “gánh vác” những chi phí khổng lồ cho cuộc chiến.

Hơn nữa, theo đánh giá của giới chức Mỹ, nếu bị tấn công, một mặt Iran chắc chắn sẽ báo thù Israel, mặt khác cũng sẽ nhắm tới các mục tiêu của Mỹ, cụ thể là liều mạng trả đũa dồn dập, bằng cách tấn công vào các mục tiêu quân sự của Mỹ, phóng hàng loạt tên lửa vào các căn cứ Mỹ trên lãnh thổ của các đồng minh trên vịnh Persic, để không cho Mỹ lý do thực hiện hành động quân sự có thể làm đổ bể vĩnh viễn chương trình hạt nhân của nước này.

“Một khi các cuộc tấn công quân sự và tấn công đáp trả bắt đầu, thì bạn đã ở trên lưng hổ. Và khi đã ở trên lưng hổ, bạn không thể chọn được nơi xuống”, Ray Takeyh, cựu quan chức an ninh quốc gia dưới chính quyền Obama và hiện làm việc cho Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Ray, Iran cũng có thể bắn tên lửa vào các mục tiêu quân sự và hạt nhân của Israel và điều lực lượng Hezbollah, chiến binh Hamas, thánh chiến Hồi giáo bắn rocket vào các trung tâm dân cư ở Israel, với mục đích tạo ra bầu không khí hoảng loạn trong dân Israel, đồng thời kích hoạt các mạng lưới khủng bố ở châu Âu, đánh bom nhằm vào hệ thống giao thông công cộng và giết hại dân thường.

“Xét về hậu quả lâu dài, rất khó nói ngoài một câu: Sẽ rất tồi tệ. Một cuộc chiến tranh với Iran sẽ là địa ngục cho những đối thủ trực tiếp với họ và toàn bộ khu vực. Nó sẽ là cuộc chơi nguy hiểm nhất của Tel Aviv và Mỹ”, ông Ray quả quyết.

Chính vì vậy, khi thông báo nối lại đàm phán được đưa ra, ông Obama không giấu khỏi niềm vui. “Đây là cơ hội tốt để xoa dịu cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, đồng thời đẩy lùi nguy cơ chiến tranh tại khu vực chảo lửa Trung Đông”, ông chủ Nhà Trắng phấn khởi tuyên bố.

Quả thực, theo nhà phân tích Carl Levin, đây là cách rất hay để ông Obama đánh lạc hướng Israel. Quốc gia Do Thái giờ sẽ không còn lý do để nôn nóng “ra tay” khi Mỹ và các quốc gia châu Âu đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán.

“Dù biết là đàm phán sẽ không đạt kết quả như mong muốn nhưng đây là kế hoãn binh hợp lý nhất trong thời điểm này”, ông Carl Levin bình luận.

Bên cạnh đó, động thái này cũng là câu trả lời rõ ràng nhất của ông Obama với những tuyên bố của các đối thủ thuộc phe Cộng hòa cáo buộc ông bế tắc trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.

Cụ thể, bằng cách đưa các bên vào bàn thương thuyết, ông Obama sẽ chứng tỏ được rằng, đến giờ phút này, ông vẫn hoàn toàn kiểm soát được vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo.

Không chỉ vậy, nối lại đàm phán cũng sẽ mang lại một tín hiệu tích cực cho thị trường dầu mỏ thế giới, qua đó giúp kìm hãm đà leo thang chóng mặt của “vàng đen” trong bối cảnh có nhiều mối lo ngại về cuộc chiến tranh tại quốc gia vùng Vịnh này.

Quả thực, ngay sau khi thông tin về việc khôi phục vòng đàm phán được đăng tải, giá dầu trên thị trường thế giới đã lập tức hạ nhiệt.

“Trên thực tế, những gì đang đe dọa hơn bao giờ hết đời sống của những người dân thường châu Âu và Mỹ những ngày này không phải là một Iran hạt nhân mà là các nhà lãnh đạo của họ đã bắt đầu cuộc chơi cùng mất chống lại một Iran giàu năng lượng. Tuy nhiên, rất may là các lãnh đạo phương Tây đã biết điểm dừng để cứu nguy cho nền kinh tế cũng như cuộc sống của nhân dân”, ông Ray nhấn mạnh.

Như vậy, chỉ bằng một hành động tưởng chừng như “ngây thơ” khi tự đặt mình vào “cãi bẫy câu giờ” của Iran, Tổng thống Obama đã hóa giải được bài toán khó thách thức uy tín của ông trên trường quốc tế cũng như trong nước.

Các tin bài khác:
Miền Đông Libya tuyên bố tự trị

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/thegioi/tulieu/Tai-sao-phuong-Tay-chap-nhan-tu-chui-dau-vao-ro-cua-Iran/20123/196095.datviet