Tại sao Mỹ lại ràng buộc Liên Xô với Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo?

Căn cứ vào các thông tin vừa được Nga giải mật, chính vì Liên Xô thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa với mật danh 'Hệ thống A', sau này được biết tới với tên gọi A-35 đã khiến Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với Moscow tham gia Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM).

Vụ phóng thử tên lửa đánh chặn của Hệ thống A tiến hành vào ngày 4-3-1961 tại bãi thử Sary Shagan của Liên Xô đã chứng minh quy luật rằng không một loại vũ khí nào có thể ngăn chặn được tên lửa đạn đạo là sai lầm. Trước khi vụ phóng thử được tiến hành, quy luật trên được nhiều nhà hoạch định chiến lược Mỹ và NATO coi là ưu thế của khối quân sự NATO trước Liên Xô. Trong vụ thử, Hệ thống A đã đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo tầm trung R-12 và đạn tên lửa đánh chặn B-1000 đã thể hiện độ tin cậy trong các nhiệm vụ bảo vệ đầu não lãnh đạo nhà nước Xô Viết khỏi mối nguy cơ từ tên lửa của đối phương.

Theo các thông tin được giải mật, để vụ phóng thử Hệ thống A thành công, các nhà khoa học Liên Xô đã mất 7 năm thiết kế, phát triển và vượt qua các khó khăn về giới hạn công nghệ ở thời điểm năm 1961. Tháng 8-1952, trước nguy cơ về các đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào Thủ đô Moscow và các trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước, giới chức quân sự Liên Xô đã đệ trình một đề án đầy tham vọng lên Xô viết Tối cao về việc phát triển hệ thống vũ khí phòng thủ có đủ năng lực ngăn chặn tên lửa đạn đạo. Sau vài tháng cân nhắc, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã phê duyệt ý tưởng này và giao nhiệm vụ phát triển hệ thống vũ khí tuyệt mật mới cho các tổ hợp thiết kế quốc phòng hàng đầu đất nước.

Hệ thống A đã khiến Mỹ và NATO phải xem xét lại chiến lược đối phó với Liên Xô trong thời chiến tranh Lạnh.

Sau hơn 2 năm phác thảo, hệ thống phòng thủ tên lửa mới được đặt tên mã là Hệ thống A do Tổng công trình sư Grigory Kisunko phụ trách. Quy mô của dự án và khối lượng công việc cần giải quyết để Hệ thống A thành hình rất đồ sộ kể cả theo quy chiếu ở thời điểm hiện tại. Một cơ sở thiết kế bí mật được thiết lập ở ven hồ Balkhash, Kazakhstan. Để giữ bí mật cho cơ sở này, một thành phố mang tên Priozersk được thiết lập. Tại đây các thành phần của Hệ thống A và kịch bản hoạt động của dòng vũ khí phòng thủ này đã được các nhà khoa học Liên Xô đưa ra và giải quyết.

Khó khăn của các nhà phát triển tiên phong chính là phải khởi đầu mọi việc từ con số 0. Hệ thống A được phác thảo với 1 hệ thống điều khiển trung tâm đồ sộ, 3 hệ thống radar cảnh giới, dẫn bắn, đạn tên lửa đánh chặn và hệ thống giếng phóng ngầm dưới lòng đất. Để nâng cao hiệu quả và tính chính xác vũ khí, toàn bộ quá trình vận hành của Hệ thống A được tự động hóa cao, hạn chế sự can thiệp của nhân viên điều khiển. Việc điều khiển Hệ thống A do siêu máy tính M-40 đảm nhiệm. Ở giai đoạn 1960, đây là hệ thống máy tính có khả năng tính toán hàng đầu thế giới, nhưng cũng cồng kềnh và cần nguồn năng lượng rất lớn để hoạt động.

Hệ thống A hoạt động dựa theo nguyên tắc định vị mục tiêu trên quỹ đạo nhờ tham số thu được từ 3 đài radar. Tọa độ của mục tiêu được định vị và theo dõi và nạp vào tên lửa đánh chặn để bắn hạ mục tiêu. Điểm đặc biệt nhất của Hệ thống A chính là đạn đánh chặn B-1000 với biệt danh Annushka. Tên lửa 2 tầng đẩy hỗn hợp sử dụng các nhiên liệu rắn và lỏng này hoàn toàn đối lập với biệt danh dễ thương của nó, khi là vũ khí có tốc độ bay và linh động bậc nhất thế giới ở thời điểm đó. Đạn tên lửa B-1000 có sơ tốc tới 1.000m/giây và trần bay tới 25km. Để đánh chặn mục tiêu, tên lửa B-1000 không mang đầu nổ mảnh định hướng thông thường, mà là hàng nghìn “microbomb” là những bóng cầu kim loại mang chất nổ để phá hủy mục tiêu khi va chạm. Quá trình thử nghiệm đầu đạn do công trình sư Konstantin Kozorezov thiết kế mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Hầu hết đầu đạn không thể thoát khỏi cơn mưa mảnh văng do microbomb tạo ra.

Hiệu quả đánh chặn của tên lửa B-1000 được xác thực trong vụ phóng thử ngày 4-3-1961. Hệ thống A và tên lửa B-1000 đã đánh chặn thành công tên lửa R-12 đang ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu với vận tốc bay lên tới 3.000m/giây. Đầu đạn giả lập đã bị phá hủy bởi “đám mây microbomb” chỉ 6 giây sau khi B-1000 rời bệ phóng. Vài tháng sau đó, Liên Xô tiếp tục thực hiện khoảng 30 lần phóng thử và tất cả đều được ghi nhận là thành công.

Đến phiên bản đánh chặn tên lửa hiện tại, hệ thống điều khiển và radar dẫn bắn của A-135 Amur, hậu bản của Hệ thống A, vẫn rất to lớn và có thể được quan sát rõ từ trên cao.

Nga hiện vẫn duy trì hoạt động của A-135 Amur và đang nâng cấp nó lên phiên bản mới A-235 Nudol.

Trong mùa hè năm 1961, trong bài phát biểu tại phiên họp của Liên hợp quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Nikita Khrushchev tuyên bố gây chấn động rằng, Liên Xô đã chế tạo ra loại vũ khí có thể “hạ một con ruồi trong không trung”. Sự xuất hiện của Hệ thống A đã buộc Mỹ phải xem xét lại chiến lược đối phó với Liên Xô và kết thúc với việc Washington và Moscow ký Hiệp ước ABM. Tới tận năm 1984, từ là 20 năm sau, Mỹ mới phát triển thành công hệ thống vũ khí đánh chặn có tính năng tương đương Hệ thống A.

Tới thời điểm hiện tại, dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước ABM để triển khai các thành phần phòng thủ tên lửa trên khắp thế giới, thì hậu bản của Hệ thống A là A-235 Nudol của Nga vẫn là một trong những dòng vũ khí phòng thủ tên lửa chiến lược đáng gờm và đã khẳng định được hiệu quả trong các bài thử nghiệm.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-my-lai-rang-buoc-lien-xo-voi-hiep-uoc-chong-ten-lua-dan-dao-611506