Tại sao G7 cần sự hợp tác của Ấn Độ?

Năm nay, Nhật Bản đã mời Ấn Độ tham dự Hội nghị G7 mở rộng từ 19 - 21.5. Sự hiện diện của Thủ tướng Narendra Modi cho thấy G7 rất cần sự hợp tác của Ấn Độ để hiện thực hóa những mục tiêu tương lai của nhóm, nhất là trong bối cảnh Ấn Độ hiện đang giữ chức chủ tịch G20 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tầm nhìn “Nam bán cầu”

Mặc dù kể từ năm 2000, hội nghị thượng đỉnh G7 đã mời thêm các quốc gia khác không thuộc khối này để tạo thành Thượng đỉnh G7 mở rộng, các cuộc họp của G7 vẫn bị xem là câu lạc bộ độc quyền, thúc đẩy lợi ích của các nước giàu, bỏ qua nước nghèo và các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng hôm 20.5. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này, với vai trò chủ nhà của Nhật Bản, đã cho thấy sự cố gắng của nhóm trong tạo ra hình ảnh mới có trách nhiệm hơn. Thông cáo chung, tài liệu dài 40 trang được các lãnh đạo G7 thông qua hôm 20.5, đã tập trung vào các thách thức chung, mang tính toàn cầu. Chẳng hạn như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, không phổ biến vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro mất an ninh kinh tế vì chuỗi cung ứng. Đây đều là vấn đề cần vai trò phối hợp toàn cầu, không chỉ giữa các nước G7 có thể giải quyết được.

Trong khi đó, Ấn Độ, với tư cách là Chủ tịch G20 năm nay, đang tự xây dựng mình như một nhà lãnh đạo của các nước Nam bán cầu. Tham dự Hội nghị G7 năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra lời kêu gọi hành động 10 điểm bao gồm tạo ra một hệ thống lương thực toàn diện, tập trung vào những người nông dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, củng cố chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu bằng cách dỡ bỏ các rào cản chính trị; phát triển các hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt, theo đuổi các hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện và y học cổ truyền, đồng thời thúc đẩy y tế kỹ thuật số để bảo đảm bảo hiểm y tế toàn cầu…

Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay cũng thể hiện rõ học thuyết ngoại giao mới của Nhật Bản về tầm quan trọng của các quốc gia Nam bán cầu đối với các quốc gia phát triển. Trong Sách Xanh ngoại giao vừa được công bố vào tháng 3, lần đầu tiên Nhật Bản đề cập đến thuật ngữ “Nam bán cầu”. Tài liệu này nêu rõ, điều vô cùng quan trọng là phải hợp tác với các quốc gia mới nổi và đang phát triển theo cách toàn diện để vượt qua những sự khác biệt về giá trị và lợi ích trong chủ nghĩa đa phương.

Trong một bài phát biểu vào ngày 13.1 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng cảnh báo: "Nếu các quốc gia Nam bán cầu, vốn đang nắm giữ những vị trí không thể thiếu trên trường quốc tế, quay lưng lại, chúng ta sẽ thấy mình là thiểu số và không thể giải quyết các vấn đề chính sách ngày càng gia tăng".

Sức mạnh kinh tế của Ấn Độ

Với GDP là 2,66 nghìn tỷ USD nền kinh tế của Ấn Độ lớn hơn ba quốc gia thành viên của G7 là Pháp, Italy và Canada. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5,9% trong năm 2023 - 2024. Ấn Độ cũng là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Ngân hàng Thế giới cho biết tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ là cao nhất trong số 7 nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi lớn nhất.

Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trái ngược với các nước phương Tây, hầu hết trong số đó đang đối mặt với triển vọng tăng trưởng trì trệ. Anne-Marie Gulde-Wolf, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF nói rằng Ấn Độ có thể là một động cơ kinh tế quan trọng, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thông qua tiêu dùng, đầu tư và thương mại. Là một ngoại lệ trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, Ấn Độ vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn do các yếu tố như tiềm năng thị trường, chi phí sản xuất thấp, cải cách kinh doanh và môi trường công nghiệp thuận lợi.

Gần đây, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Với 68% dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) và 65% dân số dưới 35 tuổi, Ấn Độ cung cấp một lực lượng lao động lành nghề và bán lành nghề trẻ và dồi dào.

Chính sách xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Hầu hết các nước G7 không chỉ riêng Hoa Kỳ và Nhật Bản, đều đang xây dựng chính sách theo hướng gắn kết nhiều hơn với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong vài năm qua, Vương quốc Anh, Pháp và Đức - các thành viên G7 đến từ châu Âu - đã xây dựng các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng họ. Gần đây, Italy cũng thể hiện xu hướng can dự vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Với việc trung tâm kinh tế và địa chính trị toàn cầu đang chuyển dịch sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nước G7 rất mong muốn được hưởng lợi từ các cơ hội kinh tế mà khu vực này mang lại. Tuy nhiên, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có những thách thức riêng với một Trung Quốc đang mở rộng dấu ấn kinh tế và chiến lược của mình. Đối với các nước phương Tây, Ấn Độ đã nổi lên như một đối tác chiến lược lớn, đặc biệt là ở phần Ấn Độ Dương của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Quốc gia trung chuyển cho khủng hoảng năng lượng

Ấn Độ bất ngờ trở thành quốc gia trung chuyển để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu do chiến tranh Nga - Ukraine gây ra. Trước khi chiến tranh bắt đầu, châu Âu đã nhận được khoảng 40% nguồn cung cấp dầu và khí đốt từ Nga. Các nước châu Âu đã rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng khi họ giảm mua năng lượng từ Nga trong năm qua.

Về phần mình, Nga đã chào bán dầu của mình cho Ấn Độ với giá chiết khấu để bù đắp cho khoản lỗ phát sinh do các nước châu Âu giảm nhập khẩu dầu từ Nga. Do bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng với giá chiết khấu, Ấn Độ đã tăng cường mua dầu từ Nga; Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Ấn Độ.

Tuy nhiên, các nước châu Âu cũng được hưởng lợi khi Ấn Độ đã trở thành cửa hậu để các nước châu Âu mua dầu của Nga. Dầu thô của Nga sau khi trải qua quá trình lọc dầu ở Ấn Độ đang tìm đường vào châu Âu. Ấn Độ đã trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất cho châu Âu trong tháng 4. Sự sắp xếp này đã bảo đảm rằng Ấn Độ chịu trách nhiệm gián tiếp trong việc giảm bớt gánh nặng cho các nền kinh tế châu Âu ở một mức độ nhất định.

Sự trung lập của Ấn Độ

Ấn Độ là một trong số ít quốc gia trên thế giới có quan hệ với cả Nga và phương Tây; trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đã kéo dài hơn một năm mà chưa có hồi kết, chiến tranh đã làm gián đoạn các nền kinh tế và chuỗi cung ứng của nhiều nước phương Tây. Ấn Độ có thể thông qua hòa giải trực tiếp hoặc gián tiếp, đưa ra một lựa chọn giữ thể diện cho cả hai bên tham chiến trong tương lai gần. Cách tiếp cận của Ấn Độ nhằm cân bằng quan hệ với Nga và phương Tây có thể đóng vai trò quan trọng trong trường hợp có bất kỳ khả năng đối thoại và ngoại giao nào để chấm dứt chiến tranh.

Việc G7 có mở rộng thành G8 một lần nữa hay không, lần này là để kết nạp Ấn Độ, vẫn còn phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, sự có mặt của Ấn Độ bên cạnh G7 là thiết yếu để giải quyết những thách thức mà nhóm đang phải đối mặt.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tai-sao-g7-can-su-hop-tac-cua-an-do-i329728/