Tại sao 4 năm mới có một năm có ngày 29/2? Câu chuyện đằng sau ngày đặc biệt 29/2

Năm 2024 là năm nhuận, điều này có nghĩa là tháng 2 sẽ có 29 ngày. Ngày 29/2 còn được gọi là ngày nhuận và 4 năm mới có 1 lần. Nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao ngày nhuận lại rơi vào tháng 2? Tại sao không đặt ngày nhuận vào đầu năm hoặc cuối năm? Câu chuyện đằng sau ngày đặc biệt này trong năm là gì?

Tại sao 4 năm mới có một năm có ngày 29/2? Ảnh: Time

Vì sao tháng 2 chỉ có 28 hoặc 29 ngày?

Mỗi tháng dương lịch đều có từ 30 đến 31 ngày, nhưng riêng tháng 2 chỉ có 28 ngày (hoặc 29 ngày nếu là năm nhuận). Vậy tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Chúng ta dễ thấy rằng chỉ cần lấy bớt 2 ngày của 2 tháng có 31 ngày nào đó, bù vào là tháng 2 sẽ có 30 ngày và không bị quá chênh lệch với các tháng khác. Mặc dù vậy, người ta vẫn giữ tháng 2 chỉ có 28 ngày. Lí do này có nguồn gốc từ cách tính lịch của người La Mã từ xa xưa.

Ban đầu, lịch La Mã do vị hoàng đế Romulus ban hành dựa vào chu kì của mặt trăng, giống như lịch âm của người phương Đông, với chỉ có 10 tháng. Một năm theo lịch này chỉ bao gồm từ tháng 3 đến tháng 12.

Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ thứ 8 TCN, hoàng đế Numa Pompilius quyết định thêm vào 2 tháng nữa vào lịch để đạt được tổng cộng 12 tháng, mỗi tháng có 28 ngày, làm cho tổng số ngày trong một năm là 354 ngày. Tuy nhiên, vua Pompilius quyết định thêm một ngày vào tháng 1 và không thay đổi số ngày trong tháng 2.

Lịch La Mã ban đầu được đặt theo chu kỳ của mặt trăng nên không phản ánh đúng chu kỳ biến đổi thời tiết các mùa. Điều này dần bộc lộ điểm yếu của lịch, và Julius Caesar đã quyết định thay đổi hệ thống tính lịch.

Julius Caesar giữ nguyên 12 tháng nhưng thêm ngày vào các tháng để 12 tháng đó trùng với chu kỳ của mặt trời. Ông đặt quy định cứ 4 năm thì tháng 2 được thêm một ngày để tổng số ngày trong một năm là 365,25 ngày, gần với chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời.

Ý nghĩa của ngày 29/2

Trong lịch Gregorian, ngày 29/2 chỉ xuất hiện mỗi khi có năm nhuận, giúp điều chỉnh lịch dương lịch để phù hợp với chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời. Điều này giúp duy trì tính chính xác của lịch dương lịch và ngày nhuận 29/2 có ý nghĩa lớn trong việc đồng bộ hóa thời gian với các sự kiện thiên văn.

Lịch dương và năm nhuận

Lịch dương lịch dựa trên vòng quay của trái đất quanh mặt trời, mất khoảng 365,2422 ngày để hoàn thành một chu kỳ. Với việc thêm một ngày vào năm nhuận, chu kỳ này được hiệu chỉnh để phản ánh chính xác hơn thời gian cần thiết để trái đất hoàn thành quỹ đạo của mình.

Nguyên tắc xác định năm nhuận

Nguyên tắc cơ bản để xác định năm nhuận là năm nào chia hết cho 4, ngoại trừ những năm chia hết cho 400 (tức là 1600, 2000, 2400).

Ngày 29/2, không chỉ là một sự kiện đặc biệt trong lịch dương lịch mà còn là một phần quan trọng của việc duy trì tính chính xác và đồng bộ hóa thời gian với các sự kiện thiên văn. Bằng cách điều chỉnh chu kỳ lịch, chúng ta giữ cho lịch dương lịch phản ánh chính xác hơn về thời gian và vị trí của chúng ta trong vũ trụ.

Ý nghĩa của tháng nhuận trong lịch âm

Lịch tính thời gian theo chu kỳ của mặt trăng được gọi là lịch âm. Tháng mặt trăng trung bình có 29,5 ngày, nhưng thực tế có thể dao động từ khoảng 29,27 đến 29,83 ngày, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Một năm âm lịch có 354 ngày, ngắn hơn năm dương lịch 11 ngày, và cứ sau mỗi 3 năm, lịch âm sẽ ngắn hơn so với lịch dương thêm 33 ngày, tương đương hơn một tháng.

Do vậy, cứ sau một vài năm âm lịch thì người ta phải bổ sung một tháng (tháng nhuận) để đảm bảo năm âm lịch tương đối phù hợp với chu kỳ của thời tiết, là yếu tố phụ thuộc vào chu kỳ quay của trái đất xung quanh mặt trời.

HP (tổng hợp)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tai-sao-4-nam-moi-co-mot-nam-co-ngay-292-cau-chuyen-dang-sau-ngay-dac-biet-292-371368.html